Các NHTW trên thế giới đã đưa ra những nỗ lực chống lại lạm phát trong thời gian gần đây. Theo đó, phản ứng của thị trường là sự lo lắng, nhiều chuyên gia dự báo một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính là điều không thể tránh khỏi.
Có thể, những động thái chính sách mạnh mẽ nhất trên toàn cầu đã đạt đến đỉnh điểm và điều gì đó sẽ "vỡ tung". Theo Bloomberg, tác động của việc các NHTW thắt chặt chính sách đến 4 loại tài sản lớn sẽ rất khác nhau.
Mọi thứ bắt đầu "đi đến giới hạn"
Thị trường tài chính toàn cầu đang rơi vào cơn hỗn loạn. Tại Mỹ, S&P 500 đã rơi vào thị trường giá xuống sau khi chạm xuống mức thấp hơn đáy hồi tháng 6 và trái phiếu Kho bạc 2 năm cũng bị bán tháo trong nhiều ngày liên tiếp.
Tại Anh, đồng bảng đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng tăng cao nhất trong khoảng thời gian 2 ngày.
Ở châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức vượt mức 2% khi đầu năm nay giao dịch ở mức âm. Trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm lần đầu tăng vượt 4,5% kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2013. Còn ở Nhật Bản, NHTW buộc phải can thiệp vào thị trường tiền tệ khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1998.
Quyết tâm kìm cương lãi suất của Fed sẽ sớm đối mặt với thách thức cấp bách. Nhiều yếu tố đang khiến rủi ro hiện hữu ở mọi ngóc ngách của thị trường và các nhà hoạch định chính sách không thể dập tắt mọi đám cháy. Theo đó, một trong những "mầm bệnh" này sẽ di căn tạo ra cuộc khủng hoảng toàn diện.
Vậy điều này sẽ diễn ra như thế nào ở 4 thị trường: cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và bất động sản?
Đồng USD tăng giá mạnh đang là diễn biến đáng lo ngại nhất, vì những đợt tăng giá kéo dài của đồng bạc xanh thường kết thúc trong khủng hoảng. Còn với nhà đầu tư trái phiếu, một cuộc khủng hoảng sẽ hạn chế các khoản lỗ. Dù khủng hoảng có xảy ra hay không, TTCK vẫn đang trong giai đoạn giảm tốc vì lợi nhuận doanh nghiệp vẫn gây thất vọng cho giới đầu tư trong nhiều quý tới. Thị trường bất động sản cũng không "miễn nhiễm".
Ở Mỹ, Fed đang gây ảnh hưởng đến thị trường nhà ở nhưng chưa phải thị trường lao động. Nhiều chiến lược gia thị trường kêu gọi Fed "nới tay", lập luận rằng lạm phát đã chạm đỉnh. Song, các NHTW lại không thể ngồi yên khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang tạo áp lực cho các hộ gia đình. Phần lớn vấn đề lạm phát đều liên quan đến hạn chế về nguồn cung: thiếu lao động có trình độ hoặc thiếu sản lượng để đáp ứng nhu cầu.
Khi số liệu lạm phát mới nhất của của Mỹ được công bố cho thấy CPI lõi hàng năm là 7%, Bloomberg Economics dự báo "giá xăng sẽ ảnh hưởng đến CPI trong tháng 9, khi chỉ số lạm phát lõi sẽ leo thang". Những con số này càng khẳng định Fed sẽ mạnh tay hơn với việc tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuộc họp tháng 11, ngay trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ.
Cho đến nay, lãi suất cao vẫn chưa làm thị trường lao động hạ nhiệt. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn ở mức thấp và số lượng đơn xin việc giảm trong thời gian gần đây. Đây là tin tốt đối với người lao động. Nhưng điều này cũng tạo thêm động lực để Fed nâng lãi suất khi lo ngại rằng lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến tiền lương, trong bối cảnh thị trường lao động eo hẹp và chuyển sang hàng hoá và dịch vụ.
Một lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất từ việc Fed nâng lãi suất là bất động sản. Lãi suất thế chấp ở Mỹ hiện lên đến 6,3%, cao nhất kể từ năm 2008. Ngoài vấn đề này thì kinh tế Mỹ vẫn có diễn biến khả quan. Do đó, các động thái chính sách của Fed vẫn chưa ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Sức mạnh của đồng bạc xanh
Khả năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ đã tạo điều kiện để Fed ngày càng cứng rắn hơn. Do đó, không chỉ lãi suất tăng cao, TTCK sụt giá mà đồng USD còn mạnh hơn. Hiệu ứng này đang buộc các NHTW khác cũng phải hành động tương tự, càng gây áp lực kinh tế với các quốc gia trên thế giới.
Diễn biến theo đường parabol của đồng USD.
Và Anh là một ví dụ điển hình. BOE đã và đang tăng lãi suất với tốc độ ổn định, ở mức 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm sau mỗi cuộc họp. Song, tốc độ này vẫn không bắt kịp Fed và tăng áp lực lên đồng bảng Anh. Tuần trước, trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế, chính phủ mới của Anh đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế vượt quá những gì thị trường dự đoán. Thị trường ngay lập tức phản ứng dữ dội, khiến đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Nhìn chung, NHTW nào không nâng lãi suất theo kịp tốc độ của Fed sẽ phải đối mặt với cùng một lựa chọn chính sách không mấy thuận lợi: để đồng nội tệ suy yếu - dẫn đến lạm phát tăng cao hơn, hoặc tăng lãi suất và khiến nền kinh tế trong nước bất ổn.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Theo Bloomberg, khó có thể biết trước "con đập" nào sẽ bị vỡ hoặc thời điểm xảy ra. Bloomberg dự báo căng thẳng thị trường sẽ lên đến đỉnh điểm trong quý tới, buộc các NHTW phải có động thái ôn hoà hơn và giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ, đường cong lợi suất đang bị đảo ngược, khi trái chủ nhận được lợi nhuận thấp hơn cho các khoản nợ dài hạn. Điều này là không bình thường vì các nhà đầu tư cần được "bảo vệ" trước rủi ro khi nắm giữ tài sản trong thời gian dài hơn. Diễn biến này thường chỉ xảy ra trước suy thoái vì thị trường dự đoán NHTW sẽ hạ lãi suất.
Khi lãi suất chuẩn của Fed đạt mức 4% vào tháng 11 hoặc tháng 12, thì một cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ hiện hữu và tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại. Khi lợi suất trái phiếu 10 năm đã đạt mức 4% thì lợi suất trái phiếu dài hạn đã đạt đỉnh. Lợi suất của trái phiếu 2 năm thậm chí còn ở mức gần 4,30%, cho thấy mức đỉnh cũng đang cận kề.
Trên TTCK, môi trường đầu tư hiện tại gần giống với đầu những năm 2000 vì định giá cao trong thời kỳ đại dịch chỉ có thể kéo dài ở những môi trường thuận lợi nhất cho lợi nhuận. Bloomberg dự đoán, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nhiều quý tới và gây áp lực cho định giá cổ phiếu, dù cả một thế hệ nhà đầu tư vẫn tiếp tục "bắt đáy" khi không muốn bỏ lỡ đợt hồi phục tiếp theo.
Với thị trường tiền tệ, do căng thẳng đang gia tăng, đồng USD tiếp tục tăng giá. Và đà leo dốc này sẽ kéo dài cho đến khi nó "bùng nổ" khiến các NHTW phải đảo ngược hướng đi. Nhưng diễn biến của đồng USD là đường parabol, có nghĩa là thời điểm đạt đỉnh sẽ không còn xa nữa. Có thể, đồng USD sẽ thấp hơn nhiều so với đỉnh năm 2001 và 2002.
Cuối cùng là thị trường nhà ở. Sở hữu nhà ngày càng "xa tầm với" khi giá nhà tăng gấp đôi và lãi suất cao. Điều này càng khiến người Mỹ né tránh thị trường này và làm tăng nhu cầu, giá cho thuê. Lạm phát tiền thuê nhà cũng là một trong những vấn đề lớn nhất của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Tỷ lệ nợ/thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Mỹ vẫn thấp hơn so với năm 2002.
Ông Jerome Powell cho biết việc tăng lãi suất là nhằm hạ nhiệt giá nhà và giá thuê. Khi một số thị trường đã hạ giá, thì diễn biến này lại không gây khủng hoảng như sau năm 2008 vì các hộ gia đình gánh ít nợ hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng bất động sản.
Vì bất động sản là tài sản chính của tầng lớp trung lưu, nên việc giảm giá lại ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng, khiến sức chi tiêu chậm lại và lạm phát leo thang.
Song, đà tăng giá chóng mặt của đồng USD lại cho thấy những động thái quyết liệt của các NHTW có thể sắp qua. Đây là dấu hiệu thể hiện rằng nhà đầu tư đang sợ hãi và tìm kiếm tài sản an toàn. Kiểu môi trường đầy nỗi lo lắng này không thể kéo dài, buộc các nhà lập pháp phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu không một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Sau đó, trái phiếu sẽ tăng giá nhưng đồng USD sụt giá. Nhà đầu tư sẽ mất một thời gian trước khi chứng kiến bất động sản và cổ phiếu hồi phục.