Trước các câu hỏi của nhiều đại biểu về tình hình giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xăng dầu tăng kỷ lục làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải đây là điều phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.
Ông cho biết thời gian qua Bộ Công Thương và các bộ ngành giảm một số loại thuế, giảm tiền điện, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm nguyên liệu thay thế... cho người dân, doanh nghiệp.
"Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu nghiên cứu điều chỉnh lại thuế. Trong trường hợp như giá nguyên liệu, vật tư đầu vào thế giới tăng cao thì phải sử dụng các công cụ chính sách an sinh cho người dân, đặc biệt là người yếu thế", ông nói.
Về giá xăng dầu gây ảnh hưởng lớn đối với ngư dân vùng biển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết ngoài các công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu thì phải có chính sách hỗ trợ an sinh cho các đối tượng này.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nông nghiệp phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận thấy trong bức tranh của ngành thủy sản không chỉ có khó khăn ở giá xăng dầu mà còn liên quan đến hệ lụy của Nghị định 67 trong thời gian qua.
"Ngành thủy sản có 800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm công tác hậu cần nghề cá. Nhưng 800.000 ngư dân đó gần như không tham gia một tổ chức nào, vậy là một lần nữa rơi vào tình trạng 'manh mún, nhỏ lẻ, tự phát'", ông đánh giá.
Do đó, Bộ đã xây dựng một Chiến lược phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. "Vì trữ lượng ngư trường không giống ngày xưa. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền chưa đủ để hình thành một ngành thủy sản hiện đại làm tổn thất sau khai thác lên tới 30%", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Công Thương đánh giá nền nông nghiệp Việt Nam đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang đậm tính tự cung tự cấp, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn.
Ông khẳng định nông sản hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và bán ra thị trường thế giới. Hơn nữa, Việt Nam là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ do đó, thị trường của nước ta rất rộng mở.
"Sản phẩm nông sản đã vào thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... Điều này chứng tỏ người sản xuất, vùng trồng vùng nuôi đã sản xuất theo hướng yêu cầu của thị trường chứ không phải cái mình có", ông nói.
Bộ Công Thương và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa như thông tin thị trường, định hướng sản xuất vùng trồng, vùng nuôi, thương hiệu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, chính sách...