Những người phụ nữ Nhật Bản làm việc chăm chỉ, chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm, phải gánh vác tất cả nhiệm vụ chăm sóc con cái, làm việc nhà. Dù vậy, những người này vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói.
Đây là câu chuyện có trong bộ phim tài liệu The Ones Left Behind được phát hành vào năm 2023. Bộ phim kể về những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản, đồng thời cho thấy một mặt rất khác của nền văn hóa vốn được cho là lý tưởng đối với phụ nữ nước này - kết hôn rồi sau đó trở thành những bà nội trợ.
"Đây là chủ đề mà không ai muốn động tới. Ở Nhật Bản, đó là một điều cấm kỵ", nhà làm phim người Australia Rionne McAvoy nói với Mainichi Shimbun, đồng thời cho biết dưới góc nhìn của ông, những người mẹ đơn thân và con của họ đang bị xã hội bỏ lại.
Trong bộ phim này, một phụ nữ cho biết cô làm việc từ 8h30 đến 19h30 mỗi ngày nhưng kiếm chưa đến 200.000 yen (khoảng 1.350 USD) mỗi tháng. Tomiko Nakayama, một phụ nữ khác trong phim tài liệu, cũng nói rằng cô phải tự làm hết mọi việc.
Một phụ nữ khác rơm rớm nước mắt khi kể lại việc con cô không còn đề cập đến việc mời cô tham gia ngày hội cha mẹ ở trường. Con gái nhỏ của người phụ nữ này hiểu rằng mẹ em quá bận và không thể tham dự.
Mặc dù là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, Nhật Bản lại có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Thế giới (OECD).
Ước tính trung bình cứ 7 trẻ em thì có một em sống trong cảnh nghèo đói và khoảng một nửa số hộ gia đình đơn thân tại nước này sống dưới mức nghèo khổ.
Tại Nhật Bản, xã hội có xu hướng ưu tiên nam giới làm việc toàn thời gian, còn nữ giới lại nhận được mức lương thấp hơn, phúc lợi cũng ít hơn dù phụ nữ cũng phải làm việc toàn thời gian và tăng ca.
Bà Akihiko Kato, giáo sư tại Đại học Meiji, cũng xuất hiện trong phim tài liệu này. Bà nêu rằng Chính phủ Nhật Bản vẫn hứa tới hứa lui về việc trợ cấp tiền cho những người mẹ đơn thân có con nhỏ. Nhưng hứa chỉ là hứa, việc trợ cấp vẫn rất chậm.
Theo nữ giáo sư, đó cũng là một phần lý do tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh, từ 1,2 triệu ca sinh trong năm 2000 xuống còn 700.000 ca trong năm 2023.
Ngoài ra, giáo sư Kato nêu rằng Nhật Bản cũng thiếu hệ thống quy định để buộc các ông bố phải trả tiền trợ cấp nuôi con. Trước đây, việc chăm sóc trẻ có sự hỗ trợ của cả gia đình và làng xóm, nhưng hiện tại, các gia đình hạt nhân hiện đại chỉ còn một người duy nhất chăm con, vừa làm cha vừa làm mẹ.
Giáo sư Khoa học xã hội Yanfei Zhou tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản cũng nêu quan điểm tương tự. Theo giáo sư Zhou, sự hiện diện của người chăm sóc có ý nghĩa rất lớn với trẻ em.
Theo thời gian, khoảng cách xã hội giữa những đứa trẻ có người chăm sóc và trẻ không người chăm sóc sẽ ngày càng lớn và đứa trẻ khi lớn lên sẽ phải tiếp tục gánh chịu sự nghèo đói đó.