Theo bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành tài chính thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022. Qua đó, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Nhiều chính sách mới chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.
Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình phục hồi. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…
Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, Bộ Tài chính cũng trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như: giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…
Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính 2 lần trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu…
Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở dưới mức 4%; trong khi, nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.
Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ.
Tính đến ngày 15/12 đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính.
Nhiều nhiệm vụ hoàn thành trước hạn
Nhiều nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước hoàn thành sớm trước thời hạn. Bộ Tài chính đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, kịp thời đề xuất các cấp ban hành và ban hành theo thẩm quyền số lượng khá lớn các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nhờ đó, các mục tiêu của ngành tài chính hoàn thành trước hạn.
Đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.
Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước đảm bảo các nhiệm vụ trong dự toán và chi cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, chi cho an sinh xã hội, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Nhờ phấn đấu tăng thu, đã có nguồn để chi cho các khoản trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Về cân đối ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công thấp hơn giới hạn được Quốc hội cho phép.
Dẫn đầu về chuyển đổi số
Đối với. chuyển đổi số, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho nền kinh tế số.
Ngày 8/8, tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021). Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công...
Theo kết quả được công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào tháng 5, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với kết quả Chỉ số Cải cách hành chính đạt 91,9/100 điểm.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.
Bộ Tài chính cũng triển khai nhiều hệ thống ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, như cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc.
Hiện Bộ Tài chính có 464 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đạt tỷ lệ gần 60%. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 296 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ gần 64%. Đồng thời, triển khai các ứng dụng như cấp mã số, hóa đơn điện tử, Etax Mobile …
Với yêu cầu đặt ra là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng lấy ngày 10/10 hằng năm là "Ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính" theo Quyết định số 1969/QĐ-BTC ngày 26/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ Tài chính.
Tăng hạng công khai, minh bạch ngân sách, tín nhiệm quốc gia
Một trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2022 là Việt Nam tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia.
Theo đó, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).
Có thể nói, chưa lúc nào xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lại tốt như hiện nay.
Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”...
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Trong bối cảnh nhiều nước bị hạ bậc tín nhiệm, hạ triển vọng thì việc Việt Nam tiếp tục được các tổ chức liên tục nâng mức tín nhiệm quốc gia thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của khu vực.
Điều này cũng cho thấy nền tảng về chính sách tài khóa được thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả.
Việc được nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.
Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đồng thời tác động tích cực đến tín nhiệm của các doanh nghiệp. Tiếp theo sự kiện nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của 12 ngân hàng Việt Nam.
10 sự kiện nổi bật ngành tài chính năm 2022
1. Chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước hoàn thành sớm trước thời hạn.
3. Ngành tài chính liên tục dẫn đầu về chuyển đổi số.
4. Hoàn thành trước 2 tháng việc phủ sóng hóa đơn điện tử trên toàn quốc.
5. Chiến lược Tài chính đến năm 2030 tạo nền tảng xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập.
6. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, giám sát, kịp thời chấn chỉnh thị trường chứng khoán phát triển minh bạch.
7. Việt Nam tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia.
8. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia kiểm soát lạm phát hiệu quả.
9. Ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới 700 tỷ USD9.
10. Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tạo nền tảng phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam.