Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến ngày 1/1/2024.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng khi mở cửa này ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào thị trường và nguy cơ một bộ phận nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vì lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro trái phiếu, dẫn tới khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bất cập này cũng được chính Bộ Tài chính nêu ra trong tờ trình gửi Chính phủ.
Minh bạch để giành giật lại niềm tin
“Nếu mở đường cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thì phải tăng bộ lọc, tăng tính minh bạch của thị trường thông qua xếp hạng tín nhiệm. Bởi vì các nhà đầu tư cá nhân không có năng lực, kinh nghiệm để phân tách tín dụng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Dĩ nhiên, xếp hạng tín nhiệm tăng chi phí cho doanh nghiệp phát hành nhưng đó là cái giá nên trả để thị trường ổn đinh. Đây cũng là cách để tăng tính minh bạch của thị trường và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Bởi lẽ, những khủng hoảng xảy ra trên thị trường thời gian vừa qua có nguyên nhân chính đến từ sự thiếu minh bạch từ các doanh nghiệp phát hành.
“Xếp hạng tín nhiệm không chỉ tốt cho nhà đầu tư mà còn có ích cho doanh nghiệp phát hành. Rất nhiều doanh nghiệp phát hành thực sự họ cũng không hiểu năng lực của mình, họ không tính toán chi ly về lộ trình trả nợ. Do đó, có đơn vị xếp hạng tín nhiệm hỗ trợ họ việc này là rất tốt”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.
Ông cũng đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính về việc cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận.
Phóng viên có nêu vấn đề này với một số chuyên gia khác, họ cho rằng Bộ Tài chính nên đưa ra các điều kiện với những nhà phát hành được hoãn/giãn nợ. Theo đó, chỉ áp dụng với những nhà phát hành làm ăn minh bạch, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tức là phát hành và sử dụng vốn đúng mục đích như đã công bố. Còn những doanh nghiệp cố tình lách luật, làm ăn "bết bát" quá thì không nên có cơ chế hỗ trợ.
Nên có quy định về ưu tiên thanh toán
TS. Đinh Thế Hiển cho biết thêm, đề xuất sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
“Thực tế hiện nay có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp thực ra là dọn đường cho việc gia hạn/giãn nợ; tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ”, TS. Đinh Thế Hiển nói.
Theo ông, nếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ thì không phải nhà đầu tư mới mua mà chính các nhà đầu tư hiện tại họ chấp nhận đổi trái phiếu đã đáo hạn để lấy trái phiếu mới, với lãi suất có thể tốt hơn. Và như vậy, với việc chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp thì những nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trái phiếu vẫn có thể tham gia thị trường bằng cách đổi trái phiếu cũ lấy trái phiếu mới.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, đề xuất bổ sung quy định về giãn/hoãn nợ của Bộ Tài chính là gửi tới thị trường thông điệp về việc các phương án giãn/hoãn nợ hay hàng đổi hàng manh nha trên thị trường thời gian vừa qua là phù hợp. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ sẽ yên tâm hơn và không còn cảm thấy quá bức xúc.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng thị trường trái phiếu vận hành theo cơ chế thị trường nên đòi hỏi tính tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia thị trường. Do đó, khi xảy ra khủng hoảng, trái chủ và doanh nghiệp phát hành có thể tự thoả thuận phương án giải quyết với nhau.
“Trên thế giới cũng vậy thôi. Trong những giai đoạn khủng hoảng, nếu doanh nghiệp chưa có tiền thanh toán mà nhà đầu tư cứ nằng nặc đòi tiền, dẫn đến doanh nghiệp phải tiến hành mở thủ tục phá sản thì cả 2 bên đều thiệt hại. Cho nên là các trái chủ họ sẽ trao đổi để tìm phương án tốt nhất cho 2 bên”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, rất nhiều trái chủ đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân không hình dung được về tự chịu trách nhiệm khi đầu tư trái phiếu. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cứ nghĩ rằng nhà nước phải bảo vệ tiền của họ. Sự hiểu lầm của các nhà đầu tư cá nhân có nguyên nhân quan trọng do các đơn vị tư vấn lập lờ trong việc chào bán trái phiếu. Ví dụ, việc giao kết hợp đồng mua/bán trái phiếu được thực hiện ngay chính trong trụ sở của ngân hàng bởi nhân viên ngân hàng tư vấn mập mờ khiến cho nhà đầu tư lầm tưởng trái phiếu là sản phẩm được ngân hàng bảo lãnh thanh toán..
Chính vì vậy, đề xuất bổ sung quy định về giãn/hoãn nợ của Bộ Tài chính sẽ góp phần ổn định tâm lý thị trường. Thực tế cho thấy, phần lớn nhà phát hành hiện nay là doanh nghiệp bất động sản, trong khi đó, thị trường này đang trầm lắng, doanh nghiệp chưa bán được hàng, chưa chuyển tài sản đầu tư của họ thành tiền được nên không thanh toán được gốc, lãi cho nhà đầu tư chứ không phải là họ không muốn trả.
Bởi vậy, nhà đầu tư nên quan sát 2 yếu tố để đi đến quyết định khi thương thảo với doanh nghiệp phát hành. Theo đó, một là, sự thành tâm trả nợ của doanh nghiệp, nghĩa là họ muốn trả chẳng qua bây giờ họ chưa có tiền. Hai là, khả năng trả nợ, nghĩa là doanh nghiệp có tài sản nhưng cần thời gian chuyển tài sản đó thành tiền..
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng đề xuất Bộ Tài chính nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ 500 triệu đồng trở xuống. Bởi lẽ, đây hầu hết là những người hưu trí, làm công ăn lương do lầm tưởng, thiếu hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp mà đầu tư. Họ là đối tượng dễ tổn thương, nôn nóng nhận được tiền.