Theo phản ánh của cử tri nhiều tỉnh, thành, hiện người dân có nhiều lo lắng, bức xúc về bất cập khi tham gia bảo hiểm nhân thọ và các loại hình bảo hiểm khác của các đơn vị, công ty ngoài nhà nước bởi vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm.
Đặc biệt, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ quá dài, nhiều nội dung ràng buộc khá phức tạp, khiến người dân khó nắm bắt đầy đủ các thông tin trong hợp đồng, trong khi đội ngũ tư vấn viên chưa cung cấp đầy đủ thông tin, dẫn đến việc gây nhầm lẫn và kỳ vọng quyền lợi bảo hiểm quá cao so với thực tế.
Quản lý bất cập, nhân viên "mờ mắt" vì hoa hồng cao
Trước thực trạng nhức nhối trên, cử tri các tỉnh, thành đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua, kiểm tra, rà soát lại những hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt các đơn vị có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại, xử nghiêm với các tổ chức có dấu hiệu lừa đảo.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng dù thời gian qua Ngân hàng Nhà nước thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh và nhắc nhở, xử lý vấn đề này nhưng nguyên nhân cốt lõi là tỷ lệ hoa hồng cao dẫn đến các đại lý bán bảo hiểm (là nhân viên ngân hàng) sử dụng mọi cách để ép khách hàng mua bảo hiểm nên vẫn không xử lý triệt để được.
Do đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi quy định về tỷ lệ hoa hồng tối đa đối với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ quy định tại khoản 3.2, Điều 5 Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2019/T7-BTC ngày 02/01/2019 của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính nên xem xét giảm mức hoa hồng tối đa 40% xuống mức phù hợp đề xử lý tận gốc vấn đề các ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
Phản hồi kiến nghị cử tri các tỉnh, thành, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng sẽ thực sự phát huy hiệu quả cho khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm khi giao dịch được xác lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng lợi ích, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Do mới phát triển và phát triển nhanh nên việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn có những bất cập nhất định như: hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng đang nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.
Bộ Tài chính.
Thế nhưng, "hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện”, “trung thực tuyệt đối” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", Bộ Tài chính đánh giá.
Cũng theo Bộ Tài chính, bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn của cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ xây dựng dựa trên nguyên tắc và thông lệ quốc tế về triển khai bảo hiểm nhân thọ, tư vấn của công ty tái bảo hiểm.
Hiện pháp luật có các quy định về việc doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về hợp đồng bảo hiểm gồm: thời hạn, kỳ đóng phí bảo hiểm, phương thức đóng phí; trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác của bên mua bảo hiểm; thời điểm có giá trị hoàn lại; việc doanh nghiệp được khấu trừ các khoản nợ từ giá trị tài khoản... và có văn bản cung cấp các thông tin cơ bản về hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, nhiều người tham gia bảo hiểm chưa dành thời gian để tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng trước khi quyết định giao kết hợp đồng.
Do những hạn chế trong việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm, cộng với hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng vay mua bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến bên mua bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm.
Chấn chỉnh vi phạm, tăng tính minh bạch trên thị trường
Thực hiện kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính đang tiến hành các giải pháp đồng bộ để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Theo đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với nội dung được phân công tại luật, Bộ Tài chính cũng bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý.
"Các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý khác", Bộ Tài chính yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, Bộ Tài chính tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.
Từ tháng 9/2022, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cao và từ cuối năm 2022 đã tiến hành thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là: Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife.
Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều vi phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của đại lý bảo hiểm cá nhân, nhân viên ngân hàng.
Một số hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài chính nêu rõ.
Thứ nhất, không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ hai, không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.
Thứ ba, cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin.
Thứ tư, không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.
"Các vi phạm của đại lý sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, qua thanh tra, Bộ Tài chính cũng phát hiện và xử lý các khoản chi phí cho hoạt động đại lý không đúng quy định pháp luật", Bộ Tài chính khẳng định.
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có biện pháp kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đang phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và ký kết quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.
Bộ Tài chính cũng phối hợp làm việc, cung cấp thông tin với các cơ quan của Bộ Công an nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính...
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, thực hiện rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu quy định về hoa hồng và các khoản thưởng cho đại lý bảo hiểm tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đây là một trong các giải pháp Bộ Tài chính đang thực hiện để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã khảo sát, thu thập thông tin và dự kiến tiến hành thanh tra 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại theo kế hoạch. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bộ Tài chính cũng đảm bảo đường dây nóng hoạt động thông suốt, tiếp nhận kịp thời các kiến nghị, phản ánh và có giải đáp phù hợp cho người dân liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.