Sáng 5/11, tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu tình trạng hiện nhiều cây xăng ở Hà Nội, Tp.HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000 - 600.000 đồng đối với một ô tô, gây bức xúc cho người dân.
Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa? Đồng thời, đại biểu Anh cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Hy vọng tình trạng khan hiếm sớm được giải quyết
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành đang thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, tiến hành thanh tra về công tác xăng dầu hiện nay. Ngành đang triển khai phối hợp với ngành Công thương để đảm bảo bình ổn cung ứng xăng dầu.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, mấy ngày qua chúng ta thấy tình hình xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước lại tiếp tục có những diễn biến mới. Cụ thể, nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm, bởi những ngày qua châu Âu và các nền kinh tế lớn là gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính.
Ngoài ra, các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ tám lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga đối với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây. Tỷ giá ngoại tệ mạnh để nhập khẩu liên tục thay đổi về tỷ giá, tăng cao trong tuần qua đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
"Cùng với đó, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn khó khăn bởi là do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Vì vậy, tình trạng đứt gãy ích cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi", ông Diên nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc và đến nay, mỗi ngành chức năng đều đã và đang làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp giữa các ngành từ Bộ Công thương cho đến Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng đã phối hợp hiệu quả hơn.
Ông Diên thông tin thêm, chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính để trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới thì sẽ cập nhật những chi phí phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết đối với những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán.
Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công thương cũng như các bộ ngành để giải quyết một cách dứt điểm.
"Hy vọng trong những ngày tới, tình hình khan hiếm xăng dầu sẽ cơ bản được giải quyết", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và đưa ra lưu ý: "Thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước. Bởi lẽ, Việt Nam vẫn phải nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu và nhập khoảng 20% xăng dầu từ các nước. Dự kiến đầu năm nước ta tăng trưởng 6,5%, nhưng đến nay dự báo tăng trưởng 8% nên nhu cầu tăng thêm đối với lượng xăng dầu cũng rất lớn. Tuy vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để tăng thêm 20% sản lượng bình quân của hằng năm. Như vậy sẽ có khoảng 21 triệu tấn xăng dầu để đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả nước".
Đề xuất điều chỉnh giá 5 ngày/lần hoặc hàng ngày
Tranh luận lại sau đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá xăng dầu trong nước "rõ ràng là đang bị hỗn loạn và rất cần được ổn định". Theo Nghị định 95 thì giá xăng, dầu điều hành hiện nay là lấy giá bình quân của giá thế giới 10 ngày trước để tính giá trong nước cho 10 ngày sau, như vậy, giá bình quân trong nước sẽ chênh lệch tăng, giảm so với giá thế giới đến 20 ngày. Vì vậy, đại biểu Trí cho rằng cách tính như vậy là lạc hậu và không phù hợp, có thể năm 2021 phù hợp nhưng bây giờ lại không phù hợp nữa.
Đại biểu Trí cũng cho rằng, thời gian qua Bộ Công Thương đã cấp phép tràn lan đến 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu và hơn 330 thương nhân phân phối xăng, dầu. Trong khi Nhật Bản văn minh chỉ có 5 đầu mối, Trung Quốc 4-6 đầu mối, cho nên đã dẫn đến hệ lụy rất khó quản lý.
Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cơ quan chức năng đang phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Giá thực hiện theo Nghị định 95 là trong bối cảnh thị trường bình thường, song khi thị trường dị biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay thì quy định bộc lộ khiếm khuyết.
“Chính phủ nhận thấy điều này và Thủ tướng đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sửa Nghị định 95. Thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ nên cố gắng đến đâu thì quy định cũng có độ trễ so với thực tiễn. Tới đây nghiên cứu sửa để sát hơn với tình hình”, ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Liên quan cấp phép, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ khi nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông đưa ra Ban cán sự, lãnh đạo bộ thống nhất là không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép. Trên bàn lãnh đạo bộ hiện có cả chục hồ sơ doanh nghiệp đủ điều kiện.
“Hệ thống đa tầng thì rất rối trong tình huống thế này. Nhiều tầng thì tăng chi phí và dứt khoát cộng vào giá bán lẻ thôi. Tới đây sắp xếp lại hệ thống, từ doanh nghiệp đầu mối, có lẽ không cần quá nhiều thương nhân phân phối”, ông Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trong điều hành bộ sẽ chỉ đạo cho sát hơn tình hình, không 10 ngày thì có thể rút xuống 5 ngày nếu lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu tác động có sự đồng thuận thì bộ sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định.