Bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm vật chất xe cơ giới
Khi thế chấp các tài sản bảo đảm như nhà chung cư, nhà xưởng, hàng hoá, máy móc,... khách hàng thường được ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm cháy nổ. Nhiều người vẫn thắc mắc việc này có bắt buộc hay không?
Điều 8 - Luật bảo hiểm quy định về bảo hiểm bắt buộc. Theo đó bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm:
- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
- Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều này (điều 8).
Bên cạnh đó, Chính phủ có ban hành Nghị định số: 23/2018/NĐ-CP quy định về cháy, nổ bắt buộc theo đó có các nội dung chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó có các tài sản như nhà chung cư, nhà xưởng, hàng hoá, khách sạn,...
Người vay vốn cần lưu ý, hợp đồng bảo hiểm cháy nổ với các tài sản thế chấp này thường có điều khoản chuyển quyền thụ hưởng cho ngân hàng. Nói một cách đơn giản, khi xảy ra rủi ro, Ngân hàng thay vì khách hàng sẽ nhận được bồi thường từ cơ quan bảo hiểm. Phần bồi thường thiệt hại này sẽ được bù đắp vào dư nợ của khách hàng tại Ngân hàng, trong trường hợp số tiền thụ hưởng lớn hơn nghĩa vụ của khách hàng tại Ngân hàng sẽ chuyển trả lại cho khách hàng.
Loại bảo hiểm thứ hai ngân hàng yêu cầu khách hàng tham gia khi nhận tài sản bảo đảm là xe cộ, phương tiện giao thông là bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Mục đích để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình tài sản lưu thông trên đường.
Bảo hiểm vật chất xe cơ giới là gói bảo hiểm nhằm bảo hiểm, bảo vệ cho những đối tượng như thân vỏ xe, máy móc thiết bị trên xe cơ giới và không phải là loại bảo hiểm bắt buộc.
Tuy nhiên cần phải nhận thức rằng, xác suất một chiếc xe tham gia giao thông trên đường xảy ra va chạm dẫn đến hư hỏng, giảm giá trị tài sản là không nhỏ, vì vậy yêu cầu này của Ngân hàng xuất phát từ mục đích quản lý TSBĐ, đảm bảo an toàn cho khoản vay.
Ngân hàng có quyền từ chối không nhận TSBĐ là xe ô tô nếu khách hàng không tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu mua bảo hiểm vật chất thân xe hai chiều và được xem như một quy định bắt buộc cho các hồ sơ vay thế chấp xe.
Tương tự như bảo hiểm cháy nổ, Ngân hàng là bên thụ hưởng khi xảy ra các sự kiện bồi thường.
Bảo hiểm nhân thọ
Cuối cùng, một loại bảo hiểm mà nhiều báo chí và người dân thời gian qua phản ánh với nhiều bức xúc đó là bảo hiểm nhân thọ bán qua kênh ngân hàng, hay thường được biết đến với khái niệm "bancasuarance".
Cần phải nhấn mạnh nhiều lần, bảo hiểm nhân thọ không bắt buộc với người vay vốn ngân hàng, dẫu cho nhân viên tín dụng có đưa ra những lý do kiểu như : Nếu anh/chị có rủi ro bất trắc gì sẽ có khoản bù đắp cho số tiền anh chị nợ ngân hàng, không phải trở thành gánh nặng của những người thân trong gia đình.
Trên thực tế, điều này không đúng. Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên thụ hưởng không xuất hiện ngân hàng, khác hoàn toàn với trường hợp bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm vật chất xe cơ giới đã nói ở trên.
Bạn cần biết rằng, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng con người - chủ thể vay vốn chứ không phải là bù đắp cho thiệt hại về tài sản - tài sản bảo đảm như hai trường hợp trên.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khẳng định, quy định của pháp luật đã nêu rõ việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Các quy định xử phạt hành chính cũng rất cụ thể, nếu có tình trạng ép buộc khách hàng thì ngân hàng sẽ bị xử phạt.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức tín dụng trong hoạt động không để tình trạng nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới giải ngân.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát khi thanh tra giám sát các ngân hàng, chi nhánh thì đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trường hợp phát hiện tổ chức tín dụng, chi nhánh ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới thực hiện giải ngân thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Vậy trong trường hợp vay vốn bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ thì phải làm sao?
Thứ nhất, khách hàng hãy thảo luận rõ ràng và kiên quyết với nhân viên Ngân hàng ngay từ đầu về việc có mua bảo hiểm hay không, nếu không mua thì lãi suất và hành xử của Ngân hàng ra sao.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước có đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Các cá nhân hay doanh nghiệp có thể liên hệ đến đường dây nóng này để trực tiếp phản ánh về những trường hợp "không tự nguyện" mua bảo hiểm khi vay vốn.
Thứ ba, đừng quên một quyền lợi của khách hàng đã được quy định trong Luật bảo hiểm. Khách hàng có quyền huỷ hợp đồng ngay cả khi đã ký hợp đồng.
Điều 35 Luật Bảo hiểm 2022 quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm. Cụ thể: Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.