Khi mang thai con gái đầu lòng vào năm 2022, Ngọc Thắm (30 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) và chồng chỉ mất 5 phút để thống nhất cô sẽ nghỉ làm hẳn, ở nhà dưỡng thai cho an toàn.
“Tôi được chẩn đoán thai yếu, người mệt mỏi, khó chịu hơn hẳn bình thường nên quyết định nghỉ việc, dành 100% sự quan tâm cho con”.
Trước đó, Thắm là nhân viên thẩm định tại công ty tài chính với mức lương 12-15 triệu đồng/tháng, chồng cô là trợ lý giám đốc với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Với bà mẹ trẻ, quyết định nghỉ việc chóng vánh song cũng được cân nhắc.
Cụ thể, Thắm để dành được khoảng 120 triệu đồng cho việc sinh nở, công việc của chồng cũng ổn định thu nhập. Bên cạnh đó, cặp đôi sống với bố mẹ chồng, không tốn tiền thuê nhà và một số chi phí khác. Việc bớt đi một nguồn thu nhập khiến gia đình phải cân đo lại chi tiêu, song không đến nỗi chật vật.
“Khi tôi thông báo nghỉ việc, bạn bè, đồng nghiệp cũng bất ngờ, tiếc và lo cho tôi, sợ tài chính thiếu thốn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định cần đánh đổi, dành mọi thứ tốt nhất để chào đón con chào đời”, cô nhớ lại.
Không riêng Ngọc Thắm, nhiều bà mẹ trẻ đang có công việc với cơ hội thăng tiến, thu nhập ổn định, nhưng quyết định từ bỏ để dồn tâm sức cho việc chăm sóc con nhỏ. Lựa chọn này chưa bao giờ là dễ dàng.
“Cuộc chiến”
Đối với Thắm, “cuộc chiến” thực sự bắt đầu khi cô sinh con vào tuần thứ 32. Bé chỉ nặng 1,7 kg, bám hơi mẹ nên cả ngày, cô gần như không thể làm gì khác ngoài chăm con.
Thắm tham gia nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm của các bà mẹ sinh non trên mạng xã hội để tham khảo và thường xuyên đưa con đi kiểm tra.
Chăm sóc trẻ sinh non cũng tốn kém hơn. “Từ thứ đơn giản như tã, con tôi quá nhẹ cân, tã mặc hay bị rộng, dễ tràn và phải thay thường xuyên mỗi 1-2 tiếng. Việc này vừa mất giấc ngủ của con, vừa tốn kém và mệt người chăm sóc”, cô kể.
Việc cả ngày quanh quẩn trong phòng cùng sự mệt mỏi cả thể chất và tinh thần trong thời gian dài nhiều lúc khiến Thắm stress, bất lực.
“Có khi tôi bức bối quá, chỉ muốn kiếm cớ chửi lộn với mọi người xung quanh. Trước đây, tôi là người năng động, thu nhập ổn định nên việc ở nhà 24/24 không phải điều dễ dàng. Nhưng dần dần, tôi cố gắng lạc quan hơn, nghĩ về tương lai con gái khỏe mạnh thì đây là cái giá sẵn sàng trả”.
Đến nay, khi con được 11 tháng tuổi, Thắm cảm thấy may mắn khi có chồng và ba mẹ chồng hỗ trợ việc nhà, khích lệ tinh thần để cô toàn tâm toàn ý bên con. Đôi khi rảnh, cả gia đình cùng ra ngoài chơi thay đổi không khí.
Hoàng Si (27 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mang bầu con gái đầu lòng khi đang trên đà phát triển công việc. Thời điểm đó, cô có kinh nghiệm nhất định đối với nghề sale (bán hàng), lượng khách hàng ổn, thu nhập khá.
Si luôn đinh ninh mình sẽ đi làm trở lại sau khi sinh 6 tháng. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như dự định vì chỉ có hai vợ chồng tự xoay xở.
“Ông bà hai bên đều ở xa, chưa thể hỗ trợ, gửi con đi nhà trẻ đồng nghĩa là cai sữa sớm. Vợ chồng tôi xót con, thuê giúp việc không yên tâm nên tôi xin công ty nghỉ không lương thêm 3 tháng”, cô nhớ lại.
Sau đó, mẹ Si thu xếp xuống Hà Nội giúp trông cháu. Thế nhưng, lần lượt anh trai ốm bệnh, bố mổ cấp cứu, cô phải nghỉ ngang khi vừa tròn một tháng đi làm lại.
Khi con 14 tháng tuổi, Si cho bé về nhà nội và ngoại chơi mỗi bên một tháng. Trong thời gian đó, cô tập trung vào bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Dù lãi rất ít, cô thấy may mắn vì không lỗ trong lần đầu khởi nghiệp.
Hiện tại, con được 19 tháng tuổi, Si cho bé đi học. Mỗi hôm, sau khi gửi con, người mẹ trẻ livestream bán hàng từ 10h đến 13h, tiếp đó là ăn uống rồi tự gói hàng, 16h lại đi đón bé. Đến tối, chồng đi làm về muộn, hai mẹ con quanh quẩn chơi với nhau là hết ngày.
“Tôi cứ nghĩ cho con đi học mình sẽ có nhiều thời gian hơn, nhưng không hề. Giờ đón trẻ là 17h30 nhưng khoảng 16h30 là bố mẹ đón hết, không muốn con ở lại muộn, tủi thân thì cũng phải đi sớm.
Con tôi cứ đến lớp được 2 hôm lại phải nghỉ ốm, lâu nhất được một tuần lại bệnh vặt, hết thuốc thang, đi khám rồi nằm viện. Thành ra, tôi chưa thể buôn bán đều đặn vì vướng bận con cái”.
Nhớ lại thời gian đầu làm mẹ toàn thời gian, Si hay tủi thân. Bởi cô vốn là người năng động, từng đi đây đó nhiều.
“Tôi từ bỏ khao khát phấn đấu của bản thân, chấp nhận mình sẽ thụt lùi hơn so với nhiều người. Nhưng tôi cũng nghĩ đến chồng vất vả thêm gấp nhiều lần vì vợ con. Nếu chỉ nghĩ về mỗi mình, lúc nào cũng sẽ thấy thiệt thòi. Đó cũng là một trong số lý do tôi có thể tích cực được như bây giờ”, Si chia sẻ.
Cô nói thêm: “Nhiều lúc con ốm, vợ chồng cãi vã nhau rất stress. Nhưng sự thật cũng chỉ có hai đứa nương tựa, cùng nhau cố gắng tiếp. Có con thì phải đánh đổi, vì làm cha mẹ là điều hạnh phúc nhất”.
Muốn trở lại công việc
“Ở nhà chăm con, tôi stress kinh khủng, mệt gấp 5 lần so với khi đi làm”, Hải Ninh (29 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại.
Khi mang bầu con gái đầu lòng, Ninh đang làm sale bảo hiểm. Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, cô giãn dần việc gặp khách hàng vì bụng to, đi lại khó khăn.
Vốn kỹ tính trong việc chăm con, Ninh rèn nếp ăn và ngủ cho bé ngay từ khi lọt lòng. Con rất hợp tác nên cô thấy bớt gánh nặng.
Khi con được 6 tháng tuổi, Ninh thử quay trở lại công việc cũ. Tuy nhiên, cô nghỉ hẳn chỉ sau một tuần vì nhận thấy khi để con ở nhà với bà nội, bé mất hết nếp và bắt đầu có những hành động như ném đồ, đánh lại.
Thêm vào đó, mẹ chồng cô đã có tuổi, phản xạ không được nhanh khiến cháu bị ngã cầu thang.
“Chồng và mẹ đẻ ủng hộ tôi ở nhà chăm con. Do đó, cả nhà không tranh luận gì nhiều. Tuy nhiên, họ hàng và hàng xóm lại dị nghị, nói tôi 'Sướng không phải làm gì' hay 'Đang ở nhà thì đẻ luôn đi nuôi một thể' khiến tôi nhiều khi bực bội”, cô kể.
Với Ninh, khó khăn lớn nhất là phải cân bằng giữa việc chăm con và chăm sóc bản thân. Thời gian ở nhà nuôi dạy con, cô bị suy nhược cơ thể 2 lần, ốm không ngồi dậy được.
Dự định của Ninh là khi con được 14 tháng tuổi sẽ cho bé đi học. Để chuẩn bị cho việc này, người mẹ trẻ tập cho con ăn dặm tự chỉ huy (BLW) từ lúc 6 tháng tuổi. Ngoài ra, cô phải chuẩn bị tâm lý vì mỗi lần nghĩ con bé thế đã phải đi lớp lại rơm rớm nước mắt.
Do dịch Covid-19 phức tạp, Ninh phải đợi đến khi con 26 tháng tuổi mới có thể gửi bé đến lớp. Nhận thấy con thích nghi tốt, không bỏ bữa dù ốm, nên sau một tuần, Ninh cũng đi làm trở lại.
Lúc này, một nỗi lo khác lại nảy sinh.
“Sau 2,5 năm gián đoạn, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đi làm trở lại. Ở nhà nhiều, ít tiếp xúc với người khác, tôi bị cứng miệng khi giao tiếp hàng ngày, trong công việc thì hay quên. Mỗi lần làm sai, tôi thấy rất áy náy. Từng người gồng gánh cả bộ phận, vậy mà giờ đúng nghĩa mới học việc nên nhiều lúc thấy giận bản thân. Tôi may mắn khi có sếp hiểu và thông cảm, giúp đỡ, chỉ bảo rất nhiều trong công việc”.
Hiện tại, mọi thứ đã đi vào ổn định hơn với Ninh. Mỗi tối, sau khi đã xong việc nhà, cô luôn dành thời gian trước khi đi ngủ để đọc truyện, tô màu, hỏi han con. Cuối tuần, mẹ và con cùng đi chơi như hai người bạn.
“Tôi nghĩ người phụ nữ nào ngoài gia đình cũng nên sống cho bản thân. Khi đi làm, tôi cảm thấy suy nghĩ tích cực hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn”, cô chia sẻ.
Phải cân nhắc những được - mất khi nghỉ việc hẳn, làm mẹ toàn thời gian cũng là điều Phạm Hường (30 tuổi) từng trải qua.
Theo đó, nếu Hường đi làm lại sau khi nghỉ thai sản, thu nhập hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng/tháng. Họ có thể mua ôtô đi làm, chuyển về gần nhà bà ngoại ở Hưng Yên để tiện cho con, hai vợ chồng sáng đi làm ở Hà Nội, tối trở lại. Nhưng như vậy, cô sẽ phải xa con, vắt sữa sẵn và nhờ ông bà ngoại hoặc thuê người chăm em bé.
“Cuối cùng, chúng tôi thống nhất muốn tự nuôi con. Được chứng kiến từng mốc kỹ năng lẫy, bò, đi, từng tiếng nói bi bô của con sẽ là hành trình tuyệt vời. Tiền thì nỗ lực là kiếm lại được, thời gian và những năm đầu đời của con thì trôi là mất”.
Ngoài ra, Hường đã chuẩn bị trước khoảng 100 triệu đồng cho việc sinh con, có thể đủ lo liệu trong khoảng một năm dù cô không đi làm.
Một năm đầu tiên, hai mẹ con vừa nghỉ ngơi, vừa lớn lên với nhau. Hường chia sẻ cô cũng được “chữa lành” nhiều trong thời gian này sau quãng thời gian cuốn vào guồng quay công việc ở vị trí nhân sự, sale.
“Nói không có gì áp lực thì cũng không đúng, vì không phải ai cũng quyết định như tôi. Họ hàng ở quê hay hỏi bao giờ đi làm, rồi đồng nghiệp thăng tiến, bạn bè có mốc này mốc kia, còn mình chỉ có con, nhà cửa. Nhưng nhìn lại, tôi vẫn thấy vui”.
Trong thời gian ở nhà, Hường đọc nhiều tài liệu về chăm con. Cô tìm nhóm bạn cùng trang lứa cho con để bé chơi chung cho dạn dĩ, các mẹ cũng chia sẻ kinh nghiệm chăm con với nhau.
Bước sang năm thứ 2, Hường học thêm nhiều kỹ năng để phát triển bản thân và muốn làm tấm gương cho con. Hai vợ chồng vẫn duy trì cho con đi chơi nhiều nơi. Tháng 7/2020, cả gia đình tổ chức đi xuyên Việt hơn 20 ngày.
“Em bé có 4 năm được ăn sữa mẹ, khỏe mạnh, ở bên và làm việc cùng bố mẹ”, cô chia sẻ.
Hiện con đã 5 tuổi, Hường vẫn duy trì việc làm mẹ toàn thời gian. Cô đảm nhận chính nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ con và hỗ trợ chồng trong việc kinh doanh cửa hàng về thực phẩm.
Song song việc làm mẹ, cô học thêm nhiều thứ bản thân yêu thích như ngoại ngữ, kỹ năng sale, tận dụng thời gian thoải mái hiện có. Dù không hối hận về quyết định làm mẹ toàn thời gian song nếu có cơ hội trở lại với công việc yêu thích, cô sẽ không từ chối.
“Con trai sẽ cứng cáp theo thời gian, đi học, có bạn bè sở thích riêng, tôi cũng cần có con đường riêng của mình”, cô nói.
Đó cũng là mong muốn của Hoàng Si và Ngọc Thắm.
Hiện tại, Si túc tắc bán hàng online để hỗ trợ chồng về kinh tế, dự định khi nào con đi mẫu giáo sẽ quay trở lại làm việc.
Thắm cũng không dự định rời xa cuộc sống văn phòng quá lâu. Cô dự tính khi bé đủ 15 tháng sẽ gửi nhà trẻ sớm.
“Trong 3 tháng đầu, tôi quan sát con có làm quen, phù hợp với môi trường mới hay không. Nếu có, tôi mới bắt đầu xin đi làm lại”, cô nói.