Bộ Xây dựng vừa có dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó có lý giải về nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội còn rất hạn chế.
Chính sách chưa hấp dẫn đầu tư
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thiếu quỹ đất sạch. Cụ thể, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020; Nhiều địa phương chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định; Thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.
“Đặc biệt, nhiều địa phương đã gửi kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép không bố trí quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị với lý do không phù hợp với quy hoạch của địa phương. Việc chính quyền địa phương nơi có dự án không có cơ sở pháp lý để xử lý bất cập nêu trên và “đùn đẩy” trách nhiệm lên cấp cao hơn để xin chủ trương về việc bố trí quỹ đất 20%. Trong khi Luật không quy định về tiêu chí nào là không phù hợp với quy hoạch để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở xem xét các kiến nghị này. Đây là một vướng mắc lớn trong thời gian qua, làm “ách tắc” khâu thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án, gia tăng chi phí thủ tục hành chính, gây bức xúc xã hội đối với cả doanh nghiệp và người dân”, dự thảo tờ trình cho biết.
Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Trong khi các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn. Ví như, quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư… Hay quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.
Về nguồn vốn ưu đãi theo chính sách thì Ngân sách Trung ương chưa bố trí đầy đủ. Giai đoạn 2016-2020 mới bố trí khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
2030: Cần khoảng 2.6.000.000 căn nhà xã hội
Theo báo cáo của 40 địa phương gửi về Bộ Xây dựng, thì nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.600.000 căn. Mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1.800.000 căn.
Tuy nhiên, tại dự thảo tờ trình, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu “khiêm tốn” hơn: đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện hiệu quả, chất lượng mục tiêu trên, Bộ này đề xuất: Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, nhận diện nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tổng hợp, và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
Đồng thời, phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư; Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…; Nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Về phía các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn, ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án…