Hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo của Airbus. Đơn đặt hàng từ hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản cho phép Airbus tăng thị phần tại thị trường lâu năm của Boeing.
Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng cho biết sẽ đặt mua 33 máy bay A350 theo hợp đồng trị giá 13,7 tỷ USD với Airbus. Đây là lần đầu tiên Korean Air đặt mua dòng máy bay này khi hãng chuẩn bị sáp nhập với Asiana Airlines, một hãng hàng không khác của Hàn Quốc.
Theo Reuters, đây là một đòn giáng mạnh vào Boeing khi hãng đang loay hoay với liên tiếp những cuộc khủng hoảng về chất lượng từ đầu năm đến nay. Điều này càng khiến việc bắt kịp đối thủ trở nên khó khăn hơn đối với Boeing.
Theo các nhà phân tích, các đơn hàng mới của hai hãng hàng không nói trên cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về máy bay thân rộng, trong bối cảnh du lịch quốc tế gần hồi phục hoàn toàn sau thời gian dài sụt giảm.
"Điều này cho thấy nhu cầu máy bay thân hẹp vẫn lớn, đặc biệt là từ các hãng bay châu Á và Trung Đông. Xu hướng này kéo dài từ năm 2023 đến nay", Rob Stallard, nhà phân tích tại Vertical Research Partners nhận xét.
Theo một nguồn tin của Reuters, việc 2 khách hàng lớn chuyển sang mua máy bay của Airbus không bắt nguồn trực tiếp từ các vấn đề hiện tại của Boeing. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn bỏ qua nguy cơ chậm trễ do những rắc rối đó và Japan Airlines muốn đa dạng nguồn cung để tránh bị động.
Theo Boeing, tập đoàn này chiếm 65% thị phần ở Đông Bắc Á, bao gồm các khách hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Hiện, cả Boeing và Airbus đều đang gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hạn do gặp phải sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ nợ nhiều đơn hàng do thiếu phụ tùng, thiếu lao động lành nghề.
Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh gần đây nhận định gián đoạn chuỗi cung ứng đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và có thể còn tiếp diễn trong vài năm nữa.