Mặc dù giá dầu thô trong tuần trước đã giảm xuống, xác lập tuần giảm giá thứ hai liên tiếp nhưng giá mặt hàng này vẫn neo trên mức 100 USD/thùng khi nhu cầu sử dụng tiếp tục ở mức cao và nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.
Theo BofA, giá dầu thô hiện chịu tác động trái chiều từ nhiều biến số khác nhau, gồm áp lực lạm phát, diễn biến thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cũng như tình hình xung đột địa chính trị tại một số nơi, bao gồm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
BofA nhận đinh “Áp lực tăng giá tới từ các mặt hàng thực phẩm, năng lượng cho tới dịch vụ, cùng với việc lãi suất được nâng lên nhanh sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô khó phục hồi hoàn toàn trở về ngưỡng như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2023”.
Ngân hàng đầu tư này đưa ra ba kịch bản chính về diễn biến giá dầu thô trong thời gian tới dựa trên các biến số và rủi ro khác nhau.
Đối với kịch bản thứ nhất, BofA dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ không rơi vào suy thoái và giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 102 USD/thùng trong năm 2022 và 2023. Mức giá này thấp hơn so với mức trung bình 104 USD/thùng trong nửa đầu năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 27/6, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giao dịch quanh mức 114 USD/thùng, thấp hơn 16% so với mức giá cao kỷ lục 133 USD/thùng được thiết lập hồi tháng 3 khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vừa nổ ra.
Đối với kịch bản thứ hai, BofA cho rằng nếu suy thoái kinh tế xảy ra thì nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ giảm mạnh và giá dầu thô Brent có thể giảm hơn 30% từ mức hiện tại.
Ngân hàng đầu tư này nhận định “Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế suỵ giảm, các ngân hàng trung ương phải quay trở lại trạng thái nới lỏng chính sách tiền tệ thì giá dầu thô sẽ phần nào được hỗ trợ. Do đó, trong trường hợp xảy ra suy thoái vào năm 2023, giá dầu thô sẽ được giữ ở mức trung bình trên 75 USD/thùng”.
Đối với kịch bản thứ ba, BofA xét tới diễn biến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, đặc biệt là việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu từ Nga. Theo đó, sản lượng khai thác dầu của Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo đó là sự sụt giảm nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu, đẩy giá dầu thô tăng mạnh.
“Nếu các biện pháp trừng phạt của châu Âu khiến sản lượng dầu của Nga sụt xuống dưới 9 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể tăng lên tới 150 USD/thùng”, BofA nhận định.
Tuy nhiên, BofA cũng nhấn mạnh tác động dài hạn của sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ hiện chưa được đánh giá đầy đủ. BofA chỉ ra rằng thị trường dầu mỏ vẫn chưa xác lập mức giá phản ánh cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu vì thiếu hụt nguồn cung từ Nga do giá dầu tại các hợp đồng kỳ hạn xa hiện vẫn ở mức từ 60 – 80 USD/thùng.