Theo thống kê của Cục Hàng không, 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách vận chuyển hàng không đạt 23,3 triệu lượt, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Với hoạt động vận tải hàng hóa, tổng thị trường ghi nhận 651.000 tấn trong nửa năm qua, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 146.000 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước nhưng giảm 29% so cùng kỳ năm 2019.
Theo cơ quan quản lý hàng không, đến nay, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II.
Với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục còn thấp do nhiều quốc gia vẫn kiểm soát chặt. Đặc biệt, tại các quốc gia Đông Bắc Á, nhiều điểm đến vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các hãng bay Việt.
Hãng hàng không vẫn lỗ
Theo báo cáo tài chính quý II của Vietnam Airlines, doanh thu thuần hãng hàng không này ghi nhận được trong quý vừa qua đạt 18.323 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bước đầu trở lại bình thường, đà tăng doanh thu kể trên của Vietnam Airlines cũng đi kèm với mức tăng của các chi phí phát sinh trong kỳ, từ chi phí tài chính, bán hàng cho tới chi phí quản lý doanh nghiệp.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí này, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức âm 2.497 tỷ đồng.
Dù chưa thể thoát lỗ từ hoạt động kinh doanh, kết quả này đã giảm 44% so với số lỗ hãng phải ghi nhận trong quý II/2021. Lỗ sau thuế mà hãng ghi nhận trong quý này là 2.568 tỷ, cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận 29.944 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 114% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của hãng vẫn báo số âm hơn 5.118 tỷ. Điểm tích cực là mức lỗ này đã thấp hơn gần 40% so với giai đoạn nửa đầu năm 2021.
Thông tin tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC đầu tháng 7, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết doanh thu quý II của hãng đã tăng 50% so với quý I và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mới nhất của tập đoàn này, trong nửa đầu năm 2022, Bamboo Airways ước tính lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng, tức gần bằng mức lỗ của cả năm 2021.
Với Vietravel Airlines, công ty mẹ của hãng là Vietravel vẫn lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng dù tình hình kinh doanh đã được cải thiện. Doanh thu của tập đoàn đạt gần 1.000 tỷ đồng , tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, nhờ sự hồi phục của du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Sau khi khấu trừ chi phí, công ty này ghi nhận lợi nhuận gộp 132 tỷ đồng so với mức lỗ 95 tỷ đồng quý II năm ngoái.
Đến cuối tháng 6, Vietravel đang đầu tư 571 tỷ đồng vào Vietravel Airlines, phần lỗ tương ứng sở hữu tăng từ 192,5 tỷ hồi đầu năm lên 309,9 tỷ đồng tại ngày 30/6. Điều này tương đương việc hãng bay này đã lỗ thêm 261 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Sau 2 năm liên tiếp bị âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng, hãng bay Pacific Airlines bị Cục Hàng không cảnh báo nguy cơ không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Hiện tại, hãng không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc.
Theo số liệu trên báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến các hãng hàng không gặp khó là giá nhiên liệu tăng cao và các đường bay quốc tế chưa hoàn toàn trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19.
Những tín hiệu trở lại
Dù chưa thể “bay cao", ngành hàng không đã có những tín hiệu tích cực, nhất là ở thị trường nội địa.
Theo Cục Hàng không, thị trường nội địa bắt đầu hồi phục từ tháng 4, tăng trưởng trở lại vào tháng 5 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Theo đó, thị trường nội địa tháng 6 đã đạt 5 triệu lượt khách, tăng 20,9% so tháng 5 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn cao điểm hè trước khi xảy ra dịch Covid-19). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6 đều ở mức rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.
Trong báo cáo tài chính quý II của Vietjet Air, doanh thu hợp nhất hãng ghi nhận đã đạt 11.590 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Với những kết quả trên, 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 76 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 426 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có 6 tháng “ăn nên làm ra" với doanh thu quý II đạt 3.445 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh, "đại gia” đang quản lý 22 sân bay trong nước này báo lãi ròng 2.598 tỷ đồng quý II, tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất từ khi ACV niêm yết trên sàn chứng khoán cuối năm 2016. Lũy kế nửa năm, doanh nghiệp quản lý và vận hành sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đạt doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 3.500 tỷ.
Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) cũng có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cao vượt trội so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tính riêng 3 tháng quý II, nhà quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất này ghi nhận gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. So với quý đầu tiên trong năm, mức doanh thu này đã tăng 126%, còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lên tới 216%.
Dù biên lãi gộp kỳ này đã giảm nhẹ từ 51,4% xuống 50%, nhưng nhờ doanh thu tăng mạnh kể trên, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn ghi nhận khoản lãi gộp gần 149 tỷ đồng trong quý II, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.
Triển vọng tích cực
Đánh giá triển vọng ngành hàng không 6 tháng cuối năm, báo cáo mới đây của SSI Research cho biết tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm của ngành này sẽ cao hơn nửa đầu năm, dựa trên một số nguyên nhân.
Đầu tiên, đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh. Trong tháng 6, sản lượng hành khách nội địa đạt 120-130% so với năm 2019, tăng từ mức 16% hồi tháng 12/2021, nhờ nhu cầu dồn nén trong hai năm qua. Năm 2022, khách trong nước ước tính đạt 89 triệu lượt khách, tăng 200% so với năm trước đó và tăng 20% so với năm 2019.
Tương tự, khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm đạt 5 triệu lượt trong năm nay. Trong tháng 6, khách quốc tế chỉ bằng 10% mức trước dịch, nhưng đã tăng từ 5% tại thời điểm cuối năm 2021 do không còn kiểm soát biên giới hay cách ly, xét nghiệm. Việt Nam cũng là một trong những nước nới lỏng các quy định nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
SSI cũng chỉ ra nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của ngành này vẫn được đánh giá chưa đủ mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả doanh nghiệp trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không...). Việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm nay, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023.
Theo các chuyên gia của SSI, các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động đến lãi - lỗ có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm.