Các hãng hàng không tại Đông Nam Á đã bắt đầu ghi nhận sự phục hồi về lượng đặt vé khi các biện pháp hạn chế đi lại trong khu vực được nới lỏng, thúc đẩy hoạt động du lịch.
“Chúng tôi tin rằng mùa cao điểm đi lại từ tháng 10 năm nay sẽ chứng kiến lượng hành khách cao nhất trong vòng 2 năm qua”, ông Nond Kalinta, Giám đốc thương mại của Thai Airways, chia sẻ với Nikkei Asia.
Những số liệu này là tin tức đáng mừng, nhưng các hãng hàng không vẫn đang trông chờ một bước tiến lớn nhất để hoạt động kinh doanh trở lại như thường lệ: Đó là sự hoạt động đi lại từ Trung Quốc được khôi phục.
Những tín hiệu lạc quan
Thái Lan đã bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế trở lại vào giữa năm 2021 và từ đó đến nay đã gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế nhập cảnh.
Lưu lượng hành khách của Thai Airways từ châu Âu đang phục hồi với số lượng hành khách bình quân hàng ngày tăng gần 6 lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Lượng hành khách tăng lên được dự báo sẽ giúp đưa lợi nhuận trước thuế cho hãng bay này về mức dương trong năm nay.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ lỗ ròng tổng cộng 8,9 tỷ USD trong năm 2022.
Thai Airways đã cập nhật kế hoạch tái cơ cấu theo sự phục hồi này. Hãng này đang tìm cách huy động nguồn vốn bổ sung 25 tỷ Baht (tương đương 691 triệu USD), thay vì 50 tỷ USD như kế hoạch trước đó, sau khi có được nguồn tiền mặt qua các biện pháp như sa thải nhân viên. Hãng hàng không Thái Lan cũng có kế hoạch hoán đổi nợ thành cổ phần vào năm 2024 để xử lý khoản thâm hụt vốn hơn 70 tỷ Baht.
Trong khi đó, Philippine Airlines đặt mục tiêu khôi phục 80% lượng chuyến bay của giai đoạn trước đại dịch vào cuối năm nay. Trong tháng 3, hãng này đã mở 1.500 chuyến bay quốc tế, bao gồm tới các điểm ở Nhật Bản, Bắc Mỹ và Trung Đông, cũng như mở các chuyến nội địa giữa thủ đô Manila và các điểm du lịch nổi tiếng như Cebu.
Nửa đầu năm nay, Philippine Airlines ghi nhận lợi nhuận ròng 71 triệu USD – 6 tháng có lãi ròng đầu tiên trong 6 năm qua nhờ việc Philippines mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
Hồi tháng 6, hãng hàng không nhà nước Garuda Indonesia - từng suýt phá sản - đã đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ để giảm khối nợ 142.000 tỷ Rupiah (tương đương 9,54 tỷ USD). Hãng này cũng dự kiến được Chính phủ Indonesia bơm vốn 7.500 tỷ Rupiah.
Garuda là đối tác của hãng hàng không Emirates, có trụ sở ở Dubai. Hai hãng này từ tháng 3 đã bắt đầu cùng khai thác 16 tuyến bay kết nối các điểm đến ở Indonesia, Trung Đông và châu Âu, phục vụ khách du lịch đến đảo Bali của Indonesia và các điểm du lịch khác.
Trông chờ cú huých từ Trung Quốc
Tuy nhiên, du khách Trung Quốc gần như chưa trở lại. Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã giảm số lượng chuyến bay quốc tế đến nước này với cả các hãng bay nội địa và quốc tế.
Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty lữ hành dừng tổ chức tour du lịch theo đoàn ra nước ngoài và tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế với cả hãng bay và hành khách khi có quá nhiều khách đến dương tính với Covid-19.
Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), số lượng hành khách trên các chuyến bay quốc tế do các hãng hàng không Trung Quốc khai thác đã giảm 23% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ tương đương 2% lượng hành khách trong nửa đầu năm 2019.
CAAC chỉ phê duyệt một số ít chuyến bay do hãng hàng không nước ngoài khai thác. Các hãng bay Thái Lan hồi tháng 6 được duyệt 2 suất bay/tuần và phải khai thác xoay vòng giữa các hãng.
"Vấn đề hiện tại là khu vực Bắc Á vì hoạt động đi lại vẫn bị hạn chế”, ông Piyasvasti Amranand, thành viên hội đồng quản trị của Thai Airways, người đang giám sát việc tái cơ cấu của hãng, cho biết.
Hơn 10% hành khách của Thai Airways trên các chuyến bay quốc tế trong năm 2019 là người Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang chậm ở cửa. Nước này đã gỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch hồi tháng 6 và rút ngắn thời gian các ly bắt buộc từ 7 xuống còn 5 ngày vào tháng 7. Tuy nhiên, giới hạn khách được nhập cảnh mỗi ngày vẫn ở mức 20.000 người, kể cả khi các quốc gia phát triển khác như Mỹ đã bình thường hóa các hoạt động kinh tế.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ lỗ ròng tổng cộng 8,9 tỷ USD trong năm 2022. Dù con số này đã giảm đáng kể so với mức lỗ 15,2 tỷ USD của năm 2021, nhưng đây vẫn là mức lỗ lớn nhất của các hãng bay tính theo khu vực.
Chi phí nhiên liệu tăng lên do xung đột Nga-Ukraine cũng đang gây áp lực với quá trình phục hồi của các hãng hàng không.
Capital A, công ty mẹ của hãng hàng kkông giá rẻ Malaysia AirAsia, báo lỗ ròng gần 900 triệu Ringgit (tương đương 201 triệu USD) trong quý 1/2022 - tăng so với mức lỗ 800 triệu Ringgit cùng kỳ năm trước - dù doanh thu tăng khoảng 160%. AirAsia cho biết nguyên nhân là chi phí nhiên liệu và bảo trì tăng lên.
Các hãng bay thường thêm phụ phí nhiên liệu vào giá vé và chịu phần chi phí tăng lên ít hơn so với khách hàng. Tuy nhiên, giá vé cao có thể làm giảm nhu cầu đi lại.
"Trong bối cảnh các hãng bay trong khu vực đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc và dài nhất mà họ từng đối mặt (Covid-19), việc kiểm soát chi phí vẫn là yếu tố quan trọng vì chi phí nhiên liệu leo thang, còn chi phí nhân công và bảo trì cũng tăng, cùng với gánh nặng nợ nần chồng chất, đang đe dọa sự phục hồi vốn đang rất bấp bênh”, Subhas Menon, Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương, nhận định.