2022 là một năm suy thoái chung trên toàn thị trường và các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ, điện máy cũng không là ngoại lệ. Vì không đạt chỉ tiêu doanh thu, các chuỗi bán lẻ bắt buộc phải cắt giảm thưởng Tết Nguyên đán của nhân viên.
Giảm thưởng Tết của nhân viên
Tuy không tiết lộ được con số chính xác nhưng đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ thưởng Tết năm nay của chuỗi kém hơn những năm trước do tình hình kinh tế sụt giảm chung.
"Tôi đánh giá mức thưởng của Thế Giới Di Động hiện vẫn nằm ở mức khá khi so sánh với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, năm nay tình hình kinh tế ảm đạm, hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, nhiều người thất nghiệp còn không có thưởng", vị này cho biết.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, cũng tiết lộ các khoản thưởng cuối năm sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của chuỗi. Năm nay, công ty có điều chỉnh về công thức thưởng để có thể phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.
"Chuỗi đã tặng kèm theo các mã giảm giá để mua sắm thiết bị gia dụng nhằm giúp người lao động có một cái tết ấm áp hơn", ông Kha chia sẻ.
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại CellphoneS. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi này cho biết thưởng Tết là một phần thu nhập quan trọng đối với lao động ngành bán lẻ.
Tại CellphoneS, khoản thưởng này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là lợi nhuận của công ty sau một năm tài chính. Quỹ thưởng sẽ được cắt ra từ lợi nhuận và chia ra cho người lao động theo các chỉ số cá nhân như thâm niên làm việc, vị trí, hệ số đánh giá đóng góp của nhóm, cá nhân.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ đã trải qua quý cuối năm tăng trưởng âm liên tục và sức mua giảm sút cũng ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh doanh của các chuỗi bán lẻ.
"Mặc dù kết quả kinh doanh 2022 không tốt như 2021, chuỗi vẫn đang duy trì mức thưởng tốt hơn năm ngoái cho khoảng 30% nhân viên và dự kiến có khoảng 10% sẽ bị giảm mức thưởng. 2023 được dự báo sẽ là một năm khó khăn hơn nữa", ông Huy nhận định.
Mặt hàng chủ lực thất thu
Năm 2022 cũng ghi nhận sự khó khăn của các dòng smartphone. Báo cáo từ GfK ghi nhận sự sụt giảm trầm trọng của các mẫu smartphone Android về cả doanh số lẫn doanh thu trong giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2022.
Cụ thể, smartphone Android chiếm 92,2% lượng máy bán ra tại Việt Nam vào tháng 5/2022, tới tháng 10/2022 con số này chỉ còn 79,5%. Không chỉ vậy, doanh thu của các mẫu smartphone Android trong khoảng thời gian trên cũng tụt từ 74,8% xuống còn 45,5%.
Đây cũng là thời điểm mà iPhone 14 series mở bán, trong khi các mẫu iPhone thế hệ cũ hơn được giảm giá mạnh. Tuy dòng máy này mang về doanh thu cao nhất cho các chuỗi bán lẻ nhưng lại ghi nhận tình trạng thiếu hàng trầm trọng.
"Mục tiêu của Apple là tiếp cận nhiều người dùng và đưa họ trải nghiệm hệ sinh thái của hãng. Vì vậy khi ra mắt iPhone mới, hãng sẽ giảm giá các iPhone đời trước, tạo ra phân khúc giá để dễ tiếp cận với khách hàng và chính sách này đang thành công trong vài năm trở lại đây khi sản phẩm giá thấp chỉ bán 20-30% số lượng nhưng vẫn là đóng góp lớn vào tăng trưởng của Apple", đại diện FPT Shop nhận định.
Lượng hàng trong năm của iPhone 14 series chỉ đáp ứng được 30% so với kỳ vọng vì vậy dẫn đến việc các chuỗi tồn lượng lớn phụ kiện mà không thể thu hồi vốn.
Không chỉ vậy để có thể nhận được iPhone 14, các chuỗi bán lẻ tiết lộ doanh nghiệp còn phải hạ giá, nhập kèm "lạc" và thậm chí là bán lỗ để có thể nhập hàng từ Apple và các nhà phân phối. Việc này khiến biên lợi nhuận từ iPhone 14 series không được như kỳ vọng.