Theo trang tin Business Insider, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) trong vài tháng qua đã sa thải hàng nghìn nhân viên do nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm, buộc họ phải tính toán về các ưu tiên và chi phí của mình.
Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với 2 năm trước, khi các công ty này phát triển với tốc độ chóng mặt và bổ sung nhân viên mới liên tục. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng việc sa thải hàng loạt là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của các Big Tech sắp kết thúc.
Tuy nhiên, những con số thực tế lại kể một câu chuyện khác. Dù việc sa thải chắc chắn đi kèm với tổn thất lớn về con người, làm gián đoạn cuộc sống và sự nghiệp của các nhân viên công nghệ, nhưng xét tổng thể, số lượng nhân viên hiện tại vẫn lớn hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Nói cách khác, bất chấp các xu hướng như "Cuộc đại từ chức" (Great Resignation) và gần đây là những đợt sa thải hàng loạt, những gã khổng lồ này nhìn chung vẫn tăng số lượng nhân viên lên gấp đôi chỉ trong vài năm.
6 biểu đồ dưới đây sẽ thể hiện chính xác việc cắt giảm việc làm đã ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng tuyển dụng tại Amazon, Meta, Salesforce, Microsoft và Alphabet.
Biểu đồ trên lấy tổng số nhân viên năm 2018 làm đại diện cho 100% và sử dụng tỷ lệ phần trăm để so sánh mức tăng sau đó.
Con số sau khi sa thải là ước tính dựa trên số lượng nhân viên mà mỗi công ty cho biết họ đã cắt giảm trong đợt cắt giảm gần đây, trừ đi tổng số năm 2022.
Nhìn chung, mỗi công ty vẫn có số lượng nhân viên cao hơn so với trước khi đại dịch bùng nổ vào đầu năm 2020. Và dưới đây là tình hình cụ thể của các Big Tech.
Alphabet đã sa thải 12.000 nhân viên
Theo BI, Alphabet là công ty công nghệ mới nhất cắt giảm lực lượng lao động của mình, họ đã sa thải khoảng 12.000 nhân viên vào giữa tháng 1.
Vào năm 2021 và 2022 trước đó, công ty đã thuê thêm khoảng 50.000 nhân viên mới trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bùng nổ nhờ đại dịch. Tuy nhiên, khi chi tiêu quảng cáo bị thu hẹp và doanh thu bị thu hẹp, Alphabet buộc phải cắt giảm.
Dựa trên dữ liệu có sẵn, chúng ta có thể thấy rằng việc cắt giảm của Alphabet chỉ chiếm khoảng 6% lực lượng lao động của họ, có nghĩa là tổng số lao động của công ty đã trở lại mức như giữa năm 2022.
Ngoài ra, một yếu tố khác có khả năng giữ ổn định số lượng nhân viên của Alphabet là công ty này cần nhiều tài năng kỹ thuật để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, đối phó với mối đe dọa mới từ Microsoft và OpenAI.
Meta cắt giảm 11.000 nhân viên
Đợt sa thải của Meta vào tháng 11/2022 là một trong những đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất của các công ty công nghệ khi có tới 11.000 người bị ảnh hưởng, tương đương 13% lao động của tập đoàn.
Giống như các công ty cùng ngành khác, Meta cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ Internet và công nghệ trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, đế chế này đã đổ thời gian và tiền bạc vào những tham vọng lớn về metaverse của CEO Mark Zuckerberg, tuy nhiên chưa có thành công nào đáng kể mà còn gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Điều này buộc Meta phải cắt giảm mọi chi phí và việc sa thải thậm chí còn lan rộng đến cả phòng thí nghiệm thực tế ảo - bộ phận thực hiện các dự án metaverse mà công ty vốn đang tập trung. Ngoài ra, các nhóm việc làm như tuyển dụng hay kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn nhóm khác.
Việc sa thải nhân viên đã đảo ngược cơn sốt tuyển dụng mà Meta đã bắt đầu vào năm 2022 và đưa số lượng nhân viên của họ về mức đầu năm 2021.
Amazon sụt giảm 67.000 lao động
Việc cắt giảm việc làm của Amazon đã ảnh hưởng đến 18.000 người - một con số cao hơn hầu hết công ty cùng ngành về mặt tuyệt đối, nhưng với quy mô và phạm vi của công ty này thì lại chỉ chiếm 5%.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lực lượng lao động của Amazon đã sụt giảm từ trước khi sa thải. Từ năm 2021 đến năm 2022, trong khi các công ty cùng ngành đang tăng số lượng nhân viên, thì Amazon lại chứng kiến sự sụt giảm 67.000 lao động. Phần lớn sự sụt giảm này xảy ra trong khoảng quý II/2022, theo báo cáo thu nhập của chính công ty.
Trong bối cảnh đó, đợt cắt giảm 18.000 việc làm mà Amazon công bố vào đầu năm nay là tương đối nhỏ.
Microsoft cắt giảm 5% nhân viên
Việc cắt giảm việc làm của Microsoft đã ảnh hưởng đến khoảng 5% lực lượng lao động của hãng, tương đương 10.000 nhân viên. Nguyên nhân là lợi nhuận của công ty này bị ảnh hưởng mạnh bởi sự suy giảm chung trong chi tiêu công nghệ, đặc biệt là do khách hàng giảm sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây.
Mặc dù Microsoft đang đầu tư sâu vào AI, đặc biệt là quan hệ với đối tác OpenAI được công bố rộng rãi, nhưng thông báo cắt giảm việc làm vào đầu năm nay cho thấy gã khổng lồ này không hoàn toàn miễn nhiễm với các xu hướng kinh tế lớn.
Dù vậy, số lượng nhân viên của Microsoft vẫn cao hơn nhiều so với con số của năm 2021.
Tỷ lệ sa thải của Salesforce là 10%
Gã khổng lồ cuối cùng được nhắc đến là Salesforce với tỷ lệ sa thải 10%.
Khác với các công ty cùng ngành, Salesforce đã trải qua một giai đoạn khó khăn lớn. Tăng trưởng doanh thu của công ty đã giảm tốc trong thời gian dài ngay cả khi đã thay mới hoàn toàn ban lãnh đạo, và họ hiện vẫn phải vật lộn với thương vụ sáp nhập Slack trị giá 27,7 tỉ USD dù nó đã diễn ra từ tháng 7/2021.
Các thách thức kinh doanh của Salesforce đang phản ánh thời điểm khó khăn với hầu hết công ty phần mềm đám mây, khi các hãng nhỏ hơn như HubSpot, Workday và Splunk gần đây cũng đã tiến hành sa thải diện rộng.