Theo Tech Wire Asia, các công ty giao đồ ăn trực tuyến ở Đông Nam Á đã đạt lợi nhuận kỷ lục trong đại dịch COVID-19. Không chỉ một số đại gia tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, mà nhiều người chơi mới cũng tham gia vào ngành với hy vọng có được một “miếng bánh pizza”.
Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, các công ty giao đồ ăn đều ghi nhận có lãi. Nhưng khi đại dịch kết thúc và người dân bắt đầu quay trở lại làm việc tại văn phòng, nhu cầu về dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Momentum Works, các công ty giao đồ ăn Đông Nam Á chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 5%, tương đương 16,3 tỷ USD vào năm 2022 sau hai năm kinh doanh tốt trong đại dịch.
Thị trường cạnh tranh
Hiện tại, Grab đang dẫn đầu thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, nắm giữ 54% tổng giá trị hàng hóa khu vực vào năm 2022, trong khi foodpanda chiếm 19% và Gojek nắm giữ 12%.
Cũng trong vài tháng trở lại đây, một số công ty đã phải cắt giảm lực lượng lao động thậm chí đóng cửa toàn bộ dịch vụ giao đồ ăn. Trong đó có Grab, công ty sa thải hơn 1.000 người, tương đương khoảng 11% tổng số nhân viên. Con số này không chỉ bao gồm nhân viên tại bộ phận GrabFood mà còn cả dịch vụ khác.
Siêu ứng dụng này đã trải qua một năm khá thú vị, với rất nhiều thay đổi khi tham vọng xây dựng ngân hàng kỹ thuật số. Rõ ràng, GrabFood vẫn là một trong những nền tảng giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, bất chấp điều kiện kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, AirAsia, cái tên gây nhiều ồn ào khi tham gia vào ngành, cũng thực hiện một số thay đổi chiến lược. Với sự bùng nổ về nhu cầu hàng không, công ty đã quyết định tập trung vào du lịch và gọi xe thay vì tiếp tục hành trình giao đồ ăn.
AirAsia đã ngừng giao đồ ăn tại Singapore kể từ tháng 1/2023, nhưng không chấm dứt hoàn toàn dịch vụ này. Thay vào đó, đại gia ngành hàng không thực hiện phương pháp tiếp cận hợp nhất, hợp tác với foodpanda, cũng là một gã khổng lồ giao đồ ăn trực tuyến trong khu vực. Quan hệ đối tác công bố vài tháng trước đó tại Malaysia sẽ cho phép các dịch vụ giao đồ ăn của AirAsia được xử lý bởi foodpanda.
Nói một cách đơn giản, người dùng đặt đồ ăn trên siêu ứng dụng AirAsia sẽ được chuyển hướng đến ứng dụng của foodpanda. Tương tự, khách hàng của foodpanda cũng có thể đặt vé máy bay trên ứng dụng, sau đó chuyển hướng đến AirAsia.
Các công ty giao đồ ăn không còn có lãi?
Đúng như dự đoán, ngành giao đồ ăn trực tuyến không còn mang lại nhiều lợi nhuận như xưa. Nhiều “tay đua” đang vật lộn để đối phó với giá thành tăng cao, đặc biệt là lạm phát. Bản thân thực khách cũng giảm chi tiêu cho việc đặt đồ ăn và lựa chọn phương án thay thế rẻ hơn như nấu ăn và ăn tại nhà.
Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến nhỏ lẻ không thể đối phó với chi phí gia tăng. Ví dụ, Gobble có trụ sở tại Singapore đã đóng cửa vào đầu năm nay vì tỷ suất lợi nhuận thấp và thiếu dòng tiền dương.
Deliveroo của Singapore cũng sa thải một phần nhân viên toàn cầu ở tất cả các cấp. Theo báo cáo từ Channel News Asia, một bản ghi nội bộ của nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Deliveroo Will Shu tuyên bố khoảng 9% lực lượng lao động công ty, tương đương 350 vị trí nhân sự, đã bị cắt giảm.
foodpanda cũng triển khai đợt sa thải lần thứ 3 vào ngày 21/9 vừa qua. Tại Malaysia, dịch vụ giao hàng tạp hóa trực tuyến HappyFresh đã ngừng hoạt động vào cuối năm ngoái.
Tại Thái Lan, Line Man, ứng dụng giao hàng được thành lập bởi Line Corp đến từ Nhật Bản, báo cáo khoản lỗ 75,9 triệu USD vào năm ngoái, giảm 14% so với năm 2021, theo Creden Data. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (Thái Lan) ước tính rằng giá trị thị trường của hoạt động kinh doanh giao đồ ăn ở Thái sẽ giảm 0,6% trong năm nay so với năm 2022 do khối lượng đơn đặt hàng thực phẩm giảm mạnh sau đại dịch.
Zomato của Ấn Độ, cũng đã đóng cửa các dịch vụ giao đồ ăn ở Philippines và Indonesia vào đầu năm nay, sau gần một thập kỷ kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á.
Hợp nhất là thượng sách
Với thực trạng ảm đạm của ngành giao đồ ăn hiện tại, hầu hết các công ty đều đang tìm cách củng cố hoạt động. AirAsia có động thái dũng cảm đầu tiên khi thừa nhận rằng lĩnh vực giao đồ ăn không phải lĩnh vực chuyên môn của hãng. Mặc dù ban đầu dịch vụ nhận được một số phản ứng tích cực, nhưng việc hợp nhất với foodpanda dường như là phương án hợp lý nhất.
Trên thực tế, “cú bắt tay” không chỉ làm giảm sự cạnh tranh trong ngành mà còn giúp cả hai công ty tập trung vào giá trị cốt lõi. Siêu ứng dụng hàng không chắc chắn có tham vọng cao trong các lĩnh vực khác và quan hệ đối tác với foodpanda cho phép AirAsia tập trung chinh phục những mục tiêu to lớn.
Foodpanda đã là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến trên khắp châu Á. Công ty có thể không đặt kỳ vọng trở thành siêu ứng dụng như Grab hay AirAsia nhưng luôn thể hiện giấc mơ “bành trướng” trong ngành giao đồ ăn.
Có thể nói, cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt nhất trong ngành là giữa Grab và foodpanda, đi kèm một số người chơi nhỏ như Beep (Malaysia) và Deliveroo (Singapore). Không giống như Grab mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh, foodpanda hoàn toàn dựa vào dịch vụ giao đồ ăn.
Theo các báo cáo tin tức gần đây, foodpanda đã thực hiện hai đợt sa thải, và đợt thứ ba được công bố vào tuần trước.
"Chúng tôi rất tiếc phải xác nhận rằng chúng tôi đã phải giảm quy kinh doanh tại khu vực APAC, vì nhu cầu vận hành hoạt động gọn gàng và nhanh nhẹn hơn vẫn rất quan trọng. Trong tương lai gần, trọng tâm của chúng tôi là hỗ trợ các đồng nghiệp bị ảnh hưởng vượt qua thời điểm khó khăn. Chúng tôi vô cùng xin lỗi các đồng nghiệp đã rời công ty và biết ơn những đóng góp của họ cho foodpanda", công ty tuyên bố.
Nhưng điều thú vị là nhiều nguồn tin cho biết công ty mẹ của foodpanda, Delivery Hero, đang thảo luận cho một thương vụ M&A.
Trong email gửi tới CNBC, Delivery Hero xác nhận rằng có "đàm phán với một số bên liên quan về việc bán lại foodpanda. Mọi cuộc thảo luận hoặc kế hoạch đều đang trong giai đoạn sơ bộ".
Hãng truyền thông Đức WirtschaftsWoche đưa tin rằng Delivery Hero đang giao bán thương hiệu foodpanda tại Singapore, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Lào. Tờ báo Đức cũng nhấn mạnh rằng đối thủ cạnh tranh Grab đang hứng thú với thương vụ.
Nếu Grab mua lại foodpanda, rất có thể công ty sẽ chiếm vị trí độc quyền trong ngành giao đồ ăn khu vực. Trước đó, Grab đã trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu sau khi mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber.
Đối với ngành công nghiệp giao đồ ăn, việc Grab mua lại foodpanda có thể mang tới một số kết quả đáng mong đợi. Như với bất kỳ thương vụ mua lại nào, nhân viên luôn là mối quan tâm hàng đầu. Bản thân Grab đã thực hiện sa thải trong năm nay, vì vậy nhiều nhân viên chắc chắn sẽ lo lắng về tình trạng việc làm của họ khi thương vụ thành công.
Tiếp theo, có vẻ doanh nghiệp thực sự thích làm việc với foodpanda hơn Grab. Ví dụ ở Malaysia, có nhiều nhà cung cấp thực phẩm địa phương hoạt động trên foodpanda hơn so với Grab.
Mặc dù toàn bộ thương vụ rất có thể sẽ mang lại lợi thế lớn cho Grab, nhưng giới chuyên gia đặt nghi vấn về tình trạng hợp tác với AirAsia. Vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh quan hệ đối tác cần được giải quyết nếu việc mua lại diễn ra.
Ông Tony Fernandes, Giám đốc điều hành của Capital A và AirAsia, đã bày tỏ mong muốn cạnh tranh. Đây cũng là lý do tại sao ông cho ra mắt dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ngay từ đầu. Trong khi AirAsia dự kiến sẽ “nằm ngoài” bức tranh mua lại, tương lai của foodpanda thực sự đang là dấu chấm hỏi lớn.
Tuy nhiên, hiện tại, Grab vẫn là công ty giao đồ ăn trực tuyến thống trị khu vực. Và nếu việc mua lại được thông qua, công ty chắc chắn sẽ tiến tới mục tiêu không chỉ trở thành một siêu ứng dụng mạnh, mà còn là ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á. Nói một cách đơn giản, Grab đang có cơ hội nhận được “nguyên liệu” cần thiết để hiện thực hóa công thức thành công.