Phúc Long vốn là một thương hiệu trà cà phê nổi tiếng được thành lập bởi ông Lâm Bội Minh từ những năm 1968. Bước ngoặt của thương hiệu này bắt đầu từ khi Masan thông qua công ty con mua lại 20% cổ phần của Phúc Long Heritage (công ty sở hữu thương hiệu trà Phúc Long) vào tháng 5/2021 với định giá khoảng 75 triệu USD.
Tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long Heritage, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.
Đầu tháng 8/2022, The Sherpa, công ty con của Masan tiếp tục chi hơn 3.600 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD) mua 34% cổ phần Công ty Phúc Long Heritage, nâng tổng tỉ lệ sở hữu của Masan tại Phúc Long lên 85%.
Sau khi được Masan mua lại, điểm đột phá nhất của Phúc Long khiến thương hiệu này khác biệt với tất cả các thương hiệu F&B khác trên thị trường đó là hoạt động song song hai mô hình: chuỗi cửa hàng độc lập Phúc Long Coffee & Tea (cửa hàng flagship) và các kiosk nhỏ gọn, tích hợp cùng WinMart+ trong các cửa hàng đa tiện ích của Masan. Chiến lược này được xem là tận dụng hệ sinh thái của WinMart, WinMart+ để gia tăng số lượng cửa hàng với chi phí mở rộng thấp nhất.
Chỉ sau hơn 1 năm tích hợp vào Masan, gần 1.000 kiosk Phúc Long đã len lỏi nhiều tỉnh thành trên cả nước tuy nhiên hiệu quả của mô hình này đến đâu?
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, theo thông tin về kết quả kinh doanh Masan công bố, Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận doanh thu 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 199 tỷ đồng.
Trước đó, Masan công bố 6 tháng đầu năm 2022, PLH ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5%3 so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý III/2022, PLH đạt 323 tỷ đồng doanh thu và 82 tỷ đồng EBITDA. Mức doanh thu và lợi nhuận này đang thấp hơn trung bình một tháng trong nửa đầu năm 2022.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng cho PLH nhìn thấy ở các cửa hàng flagship khi 9 tháng đầu năm, các cửa hàng flagship đạt 761 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng EBITDA trong 9T2022, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận.
Nhìn vào con số này, có thể thấy, hệ thống kiosk Phúc Long chỉ mới mang lại 382 tỷ đồng doanh thu tương đương khoảng 33% doanh thu cho hệ thống PLH và EBITDA đang bị âm 34 tỷ đồng (con số lỗ thực tế lớn hơn do chưa trừ đi chi phí lãi vay, khấu hao).
Theo thống kê của Masan các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+.
Như vậy, có thể thấy chiến lược tích hợp Phúc Long vào hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+ chưa đem lại hiệu quả kinh doanh về mặt con số. Tuy nhiên, với việc quản lý chặt chẽ và theo dõi hoạt động của mô hình này, Masan chắc hẳn cũng sẽ có những biện pháp cụ thể để gia tăng hiệu quả hoạt động.
Chẳng hạn, Phúc Long đã đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí và tập trung vào các cửa hàng flagship. Ước tính, nhờ tối ưu hóa chuỗi kiosk, Phúc Long dự kiến tăng thêm 27 tỷ đồng lợi nhuận.
Quý 4/2022, Masan sẽ tập trung tiếp tục cải thiện hiệu quả vận hành của kiosk bên trong cửa hàng WIN, qua đó, mở rộng quy mô mô hình này. Cũng trong Quý 4/2022, Ban Điều Hành tiếp tục mở rộng hệ thống flagship trong khi vẫn duy trì lợi nhuận. Quý 3/2022, Phúc Long đã khai trương 15 cửa hàng flagship.