Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc có giải pháp tăng cường cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Theo đó, để đảm bảo 100% người cao tuổi, người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật; vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố rà soát số người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ bảo hiểm y tế; có giải pháp nguồn kinh phí bảo đảm đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Luật Người cao tuổi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách kịp thời đối với người cao tuổi.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hơn 800.000 người cao tuổi đang hưởng chế độ người có công; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội.
Về công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đến nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Người cao tuổi từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo...được hưởng trợ cấp hàng tháng, mức trợ cấp từ 2010 - 2020 tăng 4 lần.
Luật Người cao tuổi quy định, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê, hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 95% tổng số người cao tuổi.
Cả nước hiện vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500.000 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện tại số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế hầu hết thuộc nhóm từ 60 - 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay số lượng người cao tuổi của Việt Nam chiếm gần 12% dân số. Xu hướng già hóa dân số của Việt Nam ngày càng tăng, theo đó, cứ sau 3 năm lại tăng thêm 1% dân số là người cao tuổi. Dự kiến đến 2035 Việt Nam có khoảng 25% dân số là người cao tuổi.
Liên quan đến việc vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, trong buổi làm việc mới đây với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ giao Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới, để công tác chăm sóc người cao tuổi đạt kết quả tốt, về mặt chính sách, cần tổng kết và sửa đổi, bổ sung pháp luật về người cao tuổi sao cho đồng bộ và chính sách phải đi vào cuộc sống.
Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung các chính sách pháp luật liên quan đến người cao tuổi. Bên cạnh đó, để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn, Bộ trưởng đề xuất cần xây dựng chính sách hỗ trợ người cao tuổi bằng nguồn ngân sách địa phương, để người cao tuổi nào cũng có thẻ bảo hiểm y tế.