Tại ALBA E-waste Smart Recycling, cơ sở thu gom và phân loại rác điện tử ở Tuas (Singapore), hàng nghìn chiếc điện thoại cũ chờ được tái chế. Chúng bao gồm những model ăng-ten, ví dụ như Nokia 6150 ra mắt năm 1998 đến các dòng máy hiện đại.
Sau khi mang đến cơ sở tái chế từ thùng rác điện tử, những chiếc điện thoại được xử lý để bóc tách vật liệu. Đây là quy trình tái chế điện thoại cũ tại Singapore do CNA ghi nhận.
Thu gom hàng nghìn điện thoại cũ mỗi tháng
ALBA E-waste Smart Recycling thuộc tập đoàn ALBA, công ty quản lý rác thải được Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) chỉ định vận hành chương trình xử lý rác thải điện tử.
Với tư cách điều hành, ALBA sẽ thu gom rác thải điện tử để tái chế trong 5 năm, đến ngày 30/6/2026. Theo quy định của pháp luật Singapore, rác thải điện tử gồm thiết bị thông tin liên lạc như máy tính, laptop, màn hình và điện thoại di động.
Từ khi khởi động chương trình vào tháng 7/2021, lượng thiết bị được ALBA thu gom liên tục tăng. Đến tháng 6/2022, ALBA thu gom trung bình 580 kg điện thoại cũ mỗi tháng. Từ tháng 7-10/2022, con số trung bình tăng lên 1.200 kg mỗi tháng.
Khối lượng trung bình của điện thoại di động là 150-200 g, điều đó đồng nghĩa ALBA thu gom từ 6.000 đến 8.000 điện thoại mỗi tháng để tái chế.
June See, Giám đốc PR của ALBA cho biết dù thu gom rất nhiều điện thoại, tập đoàn này vẫn nhận những thiết bị khác như máy hút sữa, đồ chơi robot và máy massage. Người dùng thậm chí cho phụ kiện điện thoại vào thùng rác điện tử.
"Người dân cần lưu ý chỉ vứt điện thoại di động, loại bỏ mọi rác thải đóng gói, ví dụ như hộp điện thoại và túi nylon bởi chúng không phải rác điện tử", bà See cho biết.
ALBA thu gom mọi loại điện thoại, bất kể kiểu dáng hay tình trạng. Theo bà See, cơ sở của tập đoàn nhận nhiều chiếc di động rất cũ, không chỉ điện thoại Nokia mà còn những thiết bị to như cục gạch.
Điện thoại được ALBA thu gom với tình trạng khác nhau, kể cả vỡ màn hình. Người dùng được yêu cầu cho điện thoại bị vỡ vào túi khóa trước khi bỏ vào thùng rác để đảm bảo an toàn.
Bóc tách linh kiện để lấy nguyên liệu
Sau khi thu gom, những chiếc điện thoại được ALBA chuyển đến cơ sở chuyên tái chế đồ điện tử của Virogreen.
Tommy Yeo, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Virogreen cho biết sau khi nhận hàng, công ty sẽ cân để tính toán khối lượng túi hoặc pallet chứa điện thoại. Tiếp theo, chúng được chuyển đến khu vực đủ ánh sáng để công nhân bóc tách linh kiện.
Các bộ phận như màn hình, vỏ, pin và bo mạch được tách và phân loại theo từng hộp khác nhau trước khi đạt khối lượng nhất định. Ví dụ, hộp chứa bo mạch của Virogreen cần nặng 25.000 kg để chuyển đến bộ phận xử lý.
Đến giai đoạn xử lý, các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, đồng, thiếc và kẽm được tách khỏi bo mạch. Những viên pin thường chứa cadimi, sắt, coban, niken, đồng và nhôm, trong khi màn hình cảm ứng gồm thủy tinh và nhựa.
Sau khi xử lý, vật liệu được chuyển đi để sản xuất sản phẩm mới. Khoảng 10% điện thoại không thể tái chế sẽ bị thiêu hủy.
iPhone bóc tách nhanh hơn điện thoại Android
Một chiếc điện thoại mất khoảng 5-10 phút để tháo rời linh kiện, tùy vào thiết kế và cách lắp ráp.
Virogreen nhận khoảng 500 kg điện thoại mỗi tháng, tương đương 2.500 chiếc. Giả sử mỗi chiếc mất tối đa 10 phút, sẽ cần 417 tiếng để bóc toàn bộ lượng thiết bị nhận được.
Theo Yeo, một số mẫu điện thoại gây khó khăn trong việc xử lý. Các dòng máy đời mới cần nhiều thời gian bóc tách do thiết kế của nhà sản xuất.
"Có thể so sánh iPhone với điện thoại Android. Sản phẩm chạy Android được hoàn thiện theo cách dán các mặt với nhau. Do đó, bạn phải cạy mạnh hoặc làm mềm lớp keo để lấy màn hình và các bộ phận bên trong.
Ngược lại, iPhone có 2 con ốc nhỏ gần cổng sạc, chỉ cần tháo chúng để cạy nắp", ông Yeo nói thêm. Điều đó đồng nghĩa iPhone mất khoảng 5 phút để bung máy, trong khi smartphone Android thường mất gấp đôi thời gian.
Virogreen nhận phần lớn iPhone và điện thoại Samsung. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện thiết bị Nokia và Sony Ericsson.
Với điện thoại đời cũ, Yeo cho biết quy trình bóc tách đơn giản hơn bởi chúng có pin rời, chỉ cần dùng móng tay để tháo. Vỏ của điện thoại có thể tháo dễ dàng bằng ngón tay, không cần dùng tua vít hay lưỡi thép.
Dù gặp khó khăn, việc thu gom điện thoại từ thùng rác điện tử để tái chế là cần thiết bởi chúng giúp giảm các rủi ro về môi trường.
"Đồ điện tử chứa rất nhiều chất độc hại như dioxin, thủy ngân hay chì, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu không được xử lý đúng cách, chúng sẽ bị đưa đến bãi rác, dần thải ra chất độc vào môi trường, không khí, đất và nước ngầm", ông Yeo cho biết.