Hiện nay, vận chuyển phế liệu và rác thải từ các nước phát triển sang các nước nghèo hơn để xử lý là một lựa chọn trong ngành công nghiệp tái chế. Các nhà môi trường học phê phán hiện tượng này bằng cụm từ ‘thực dân rác thải’ (tạm dịch từ cụm từ ‘waste colonialism’), ám chỉ việc các nước giàu trút hết vấn đề của họ lên các nước nghèo, để mặc các nước kém may mắn hơn xử lý hộ đống phế liệu do mình tạo ra.
Thái Lan là một trong những quốc gia như vậy. Trong năm 2021, nước này tiếp nhận khoảng 158 nghìn tấn phế liệu nhựa từ các nước khác để xử lý và tái chế. Tuy nhiên, không phải loại phế liệu nào cũng tái chế được. Quá trình xử lý lại gây thêm nhiều vấn đề khác như ô nhiễm, tiếng ồn, mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Nỗi khổ của người Thái Lan khi sống gần nhà máy tái chế
Vinyou Jiaramankong là một kế toán sống ở ngoại ô thủ đô Bangkok. Vài năm trước, khu đất cạnh nhà anh, trước đó chuyên dùng làm bãi chứa, bỗng mọc lên một nhà máy tái chế rác. Cả khu lúc nào cũng mịt mù khói, đến nỗi nhà anh phải lắp một chiếc quạt máy lớn ngoài sân. Nhưng điều ấy chẳng có tác dụng gì vì các loại khí độc vẫn tràn vào, khiến cả gia đình khó thở, đau đầu, nổi mẩn. Bác sĩ khuyên anh nên cho cháu nhỏ đi chỗ khác sống.
Đôi khi cả gia đình anh phải đi thuê nhà nghỉ để lánh tạm. Jiaramankong còn thấy cả xác chim bồ câu ở bãi cỏ trước nhà, đây là một dấu hiệu đáng báo động.
Jiaramankong đã làm đơn kiện SSRT Plastic Intergroup, công ty vận hành nhà máy tái chế nằm cạnh nhà anh. Tòa án phán quyết SSRT phải đền bù Jiaramankong 100.000 Bạt (khoảng 70 triệu Đồng). Nhưng số tiền ấy chẳng bù cho được sức khỏe đã mất nên gia đình anh đang chuẩn bị chuyển đi nơi khác.
Ở tỉnh Chon Buri cũng có một cộng đồng khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cơ sở tái chế nhựa và đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Người dân cho biết, các cơ sở này không tuân theo quy định mà chỉ đốt nhựa vô tội vạ, từ đó gây ồn ào và khiến đất, nước đều bị ô nhiễm.
Tình hình quản lý chất thải ở Thái Lan ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi các sự kiện như vụ hỏa hoạn gần đây tại một nhà máy tái chế ở Ratchaburi, phía tây Bangkok, khiến cư dân phải sơ tán khỏi bán kính 4 km.
Tái chế nhựa không phải lúc nào cũng ‘sạch’
Ở dạng đơn giản nhất, nhựa là sản phẩm phụ từ dầu mỏ hay khí đốt. Việc đun hay đốt nhựa sẽ sinh ra hydrocarbon, gây tổn hại đến phổi, thận và hệ thần kinh. Bao bì thời nay còn có thành phần phức tạp hơn, pha trộn nhiều chất phụ gia khác nhau để tăng độ co giãn hay tính chịu dầu mỡ. Khi được đốt và đun, các thành phần này có thể kết hợp và tạo ra nhiều chất độc hại khác
Suốt nhiều thập kỷ, tái chế được nhắc tới như một giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải, là trung tâm của ‘nền kinh tế tuần hoàn’ với ý tưởng là tái sử dụng phế liệu trong nhiều vòng đời.
Nhưng trên thực tế, kể cả khi nhựa được tái chế (mà thực chất chỉ chiếm khoảng 9% lượng rác thải nhựa toàn cầu), thì nó vẫn tạo ra những tác động ô nhiễm, tiêu cực lên khu vực xung quanh.
Các nhà máy tái chế hoàn toàn có thể là những nơi mất vệ sinh và nguy hiểm, có thể thải bỏ ra môi trường cả những chất ô nhiễm nghiêm trọng như dioxin, một chất được cho là tăng nguy cơ ung thư.
Rác tìm đường đến Thái Lan qua kẽ hở giấy tờ
Lý do cho nhu cầu xử lý rác thải ở nước ngoài ngày một tăng cao, đơn giản là do người ta tiêu thụ quá nhiều nhựa. Các nước như Mỹ, Nhật, Anh không có không gian để tái chế ngần ấy nhựa trong nước. Do đó, cách giải quyết duy nhất là chuyển hết đi bằng tàu container tới các nước nghèo hơn và có cơ sở hạ tầng để xử lý.
Trong nửa thập kỷ vừa qua, các ‘lô hàng’ tái chế đường dài cập bến các nước Đông Nam Á ngày một nhiều. Ở Thái Lan, đã từng có nhiều trường hợp container khai báo là chở phế liệu nhựa nhưng bên trong lại chỉ toàn là rác thải. Phế liệu nhựa tức là những thứ đã được chọn lọc, phân loại, rửa qua để loại bỏ các chất gây ô nhiễm, được cắt vụn và sau đó có thể được đưa vào máy ép để tái chế. Còn rác thải thì không được đi qua quá trình như vậy, khó xử lý và gây nhiều ô nhiễm hơn
Chính quyền địa phương đã phải gửi trả lại Mỹ và yêu cầu phòng ban quản lý ô nhiễm phải phối hợp chặt chẽ với các bên để dần dần hạn chế tình trạng này. Có những khó khăn liên quan về mặt pháp lý, ví dụ như trên giấy tờ ‘rác thải nhựa’ có thể được khai báo là ‘phế liệu nhựa’ và nhiều người đã tận dụng lỗ hổng này để ‘đổ rác’ vào Thái Lan.
Rác không đến nước này thì vẫn đến nước khác nghèo hơn
Vài năm gần đây, chính phủ nước này đang thúc đẩy lệnh cấm nhập rác thải từ nước ngoài. Năm 2019, Thái Lan đã cấm nhập rác thải hộ gia đình.
Nhưng điều này khó tiến xa hơn vì tái chế là một ngành lớn và mang lại lợi nhuận. Ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, có nhiều công ty lớn kiếm lãi từ việc nhập khẩu rác từ nước ngoài và thường phản đối lại các dự định này.
Ngoài ra, nếu phế liệu không đi đường này thì cũng sẽ đi đường khác để đến với các nước thậm chí nghèo hơn, ví dụ như Myanmar hay các nước châu Phi, nơi có giá lao động rẻ mạt và tiêu chuẩn môi trường thấp.
Ví dụ điển hình là với Trung Quốc. Trước đó, đất nước tỉ dân này là điểm đến số một của phế liệu khi tiếp nhận hơn 50% phế liệu nhựa từ khắp nơi đổ về. Tuy mang lại nhiều lợi nhuận nhưng môi trường lại bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Năm 2017, nước này đưa ra chính sách ‘Lưỡi Kiếm Quốc Gia’ (‘National Sword’), chỉ cho phép nhập khẩu những phế liệu nhựa sạch nhất, còn lại thì cấm hết. Lượng rác và phế liệu đưa sang đây đã giảm 99%, gây nên một cuộc khủng hoảng cho các công ty tái chế. Nhưng chẳng bao lâu, họ cũng đã tìm ra điểm đến mới. Năm 2018, Malaysia tiếp nhận 900 nghìn tấn phế liệu nhựa, chính thức ‘gánh’ thêm gấp ba lần trước đó.
Dawan Chantarahassadee, cố vấn một nhóm hoạt động môi trường tại Thái Lan, nói rằng: ‘Rác thải của nước nào thì nên nằm ở nước đấy. Tái chế có vẻ là một lựa chọn rẻ tiền, nhưng nếu tính thêm các chi phí ô nhiễm đi kèm thì cái giá thực tế đắt hơn rất nhiều’.
Tham khảo từ: Bloomberg, Bangkok Post