Hậu đại dịch, các doanh nhân dễ rơi vào hai trường hợp: bi quan, bất an, luôn lo sợ về một sự thất bại hoặc hứng khởi thái quá, quên hết những ký ức về thời kỳ khó khăn.
Andreas Krebs và Paul Williams, tác giả sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, hai nhà lãnh đạo doanh nghiệp với nhiều kinh nghiệm quản trị, đã chia sẻ với bạn đọc tại Hà Nội chiều 22/2 về những cách đối mặt với thị trường kinh tế hậu đại dịch.
Lời khuyên cho các doanh nhân sau đại dịch
Dựa trên kinh nghiệm của mình, hai tác giả cho rằng người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết chọn lọc để nhìn vào những điều tích cực sau đại dịch. Ông Andreas Krebs nói: "Đại dịch không chỉ đem đến mất mát và thất bại, mà cũng đem lại cơ hội cho nhiều người".
Ông cho rằng đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách chúng ta hoạt động, làm việc, tương tác và giao tiếp, thúc đẩy con người tìm kiếm các phương thức mới trong công việc, vận dụng công nghệ nhiều hơn. Vì vậy, nếu biết nắm bắt thời cơ, các lãnh đạo có thể dẫn dắt doanh nghiệp đến thành công.
Ông nói: "Đúng là lãnh đạo cũng nên biết tính toán, lường trước những rủi ro, nguy cơ thất bại, nhưng cũng nên cần cân bằng, hướng đến những khía cạnh tích cực để nắm bắt cơ hội phát triển".
Ông Paul Williams bổ sung, cho biết: "Trí nhớ con người thực ra rất ngắn hạn, vì thế, các lãnh đạo cần nhớ những bài học một cách có chọn lọc, để luôn chuẩn bị đối phó với những biến cố tiềm năng".
Bỏ lại ký ức về đại dịch, con người có thể lại bị ảo tưởng về sự bất khả chiến bại. Chính cái ảo tưởng ấy dễ khiến các doanh nhân bỏ qua các các cơ hội, để rồi mất vị trí trên thị trường.
Tránh ảo tưởng bất bại
Theo sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, mỗi năm, tạp chí Fortune công bố một danh sách gồm 500 công ty có tổng doanh thu cao nhất; chỉ có điều, rất ít công ty đủ sức duy trì thứ hạng qua nhiều năm. Trường hợp điển hình là Nokia, từng một thời oanh tạc thị trường điện thoại, giờ đây đã gần như "vô danh".
Theo các tác giả, đằng sau sự sụp đổ của Nokia là những lùm xùm, mâu thuẫn nội bộ ban giám đốc. Kết quả là "những người cầm quyền tưởng như bất bại cuối cùng lại trượt dài vào thất bại và bị quên lãng chỉ trong vài năm ngắn ngủi".
Trong Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, Andreas Krebs và Paul Williams phân tích, mổ xẻ những câu chuyện đằng sau sự thành công và sụp đổ của các doanh nghiệp. Những cái tên đình đám một thời như Daimler, Grundig, Nokia, AOL, Pan Am, Woolworth, Blockbuster, Kodak, Grundig... sau cùng cũng không "bất bại" như họ tưởng.
Sai lầm của họ nằm ở đâu? Phải chăng những mầm mống thất bại luôn cũng hiện hữu trong những thành công? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công?
Cả Andreas Krebs và Paul Williams đều là những doanh nhân giàu kinh nghiệm. Andreas Krebs là chuyên gia về lãnh đạo toàn cầu hóa, một trong số ít người Đức lọt vào ban điều hành của tập đoàn dược phẩm Big Pharma trụ sở tại Mỹ. Andreas hiện điều hành doanh nghiệp đầu tư của riêng mình - Longfield Invest, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp tăng trưởng bao trùm nhiều lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế mới.
Còn Paul Williams là một nhà khoa học tự nhiên, nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp. Từ năm 2003, ông là đối tác của công ty tư vấn Paul Williams & Associates (Langenfeld, Đức) chuyên về huấn luyện lãnh đạo và phát triển tổ chức.
Thông qua sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, Andreas Krebs và Paul Williams đem đến một cái nhìn mới, cho thấy tầm nguy hại của ảo giác bất bại, từ đó đem đến lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp, giúp họ dẫn dắt doanh nghiệp tiếp nối con đường thành công.