Hiện nay, thu nhập từ lãi vay đang chiếm tỷ trọng từ 60-70% thu nhập hoạt động của các ngân hàng. Chỉ tiêu này chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính là tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng (NIM).
Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Đây là mục tiêu tương đối cao trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia Mirae Asset cho rằng, vì nhiều yếu tố vĩ mô, tăng trưởng tín dụng năm 2023 có thể thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, trong năm 2023, Việt Nam đã đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, việc kiềm chế bão giá không đơn giản. Trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0,66% lên 5,21% vào tháng 1/2023. Áp lực lạm phát cao sẽ là phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung. Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do môi trường lãi suất thay đổi cũng sẽ khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao.
“Các áp lực tỷ giá hiện tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ theo chúng tôi vẫn còn hiện hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, chúng tôi dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN”, các chuyên gia từ công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Về NIM, phòng phân tích Mirae Asset cho rằng biên lãi ròng của các ngân hàng có khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022, dựa trên giả định sau: 1) chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến thu nhập từ lãi không ổn định; 2) chi phí huy động cao hơn do yêu cầu tuân thủ các chỉ tiêu thanh khoản của hệ thống ngân hàng; 3) tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng có phần kém tích cực. Trong năm nay, NIM của các ngân hàng có thể sẽ chịu nhiều áp lực.
Báo cáo từ chứng khoán Mirae Asset cũng cho thấy, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng trong năm 2022 chỉ còn 14,7% trong khi cùng kỳ năm trước là 33,6%. Điều này chủ yếu do thị trường trái phiếu kém tích cực và các chương trình giảm phí giao dịch.
Bên cạnh đó, chi phí dự phòng cao sẽ gây áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2023. Nhóm phân tích cho rằng chi phí tín dụng sẽ tăng đáng kể vào năm 2023, do các yếu tố sau: 1) tỷ lệ nợ trễ hạn tăng cao trong năm 2022; 2) suy giảm bộ đệm dự phòng; 3) kết thúc thời hạn tái cấu trúc của các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19; và 4) quan ngại về chất lượng tài sản do lãi suất thị trường cao và căng thẳng thanh khoản