Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa thực hiện một đợt tăng lãi suất nhỏ nhất trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đều tăng lãi suất vào thứ Năm (2/2/2023), sau nhiều đợt tăng trước đó. Tuy nhiên, thị trường cho rằng các ngân hàng lớn sắp chạm đến các "đỉnh" lãi suất.
Tổng cộng, 10 nền kinh tế phát triển lớn đã tăng lãi suất tổng cộng 2.965 điểm cơ bản kể từ đầu chu kỳ tăng lãi suất lần này cho đến nay, trong đó riêng Nhật Bản chưa tăng lãi suất lần nào.
Dưới đây là mức tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách, xếp theo thứ tự từ tăng mạnh nhất cho đến ôn hòa nhất.
1) Mỹ
Fed hôm thứ Tư (1/2) đã tăng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 4,50% đến 4,75%, mức tăng nhỏ nhất cho đến nay trong chu kỳ thắt chặt kéo dài 11 tháng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc cắt giảm lãi suất vào năm 2023 là "không thích hợp" và cảnh báo lạm phát vẫn ở mức quá cao. Phát biểu của ông làm cho thị trường giảm bớt sự sôi nổi sau thông báo lãi suất lần này tăng ít, bởi trái ngược với kỳ vọng của các nhà giao dịch là lãi suất của Fed cuối cùng cũng sắp đến lúc giảm. Ông Powell không đưa ra manh mối nào về việc sẽ có bao nhiêu lần tăng lãi suất trong năm nay, nói rằng các quyết định sẽ được đưa ra trong "từng cuộc họp".
2) Canada
Ngân hàng Canada (BoC) ngày 18/1 đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.
Thống đốc BoC Tiff Macklem cho biết ông hoàn toàn tập trung vào việc liệu chi phí đi vay có nên tăng hơn nữa không, làm tiêu tan những hy vọng trên thị trường rằng việc cắt giảm lãi suất của Canada có thể diễn ra ngay sau tháng 10.
Ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất chính sách với tốc độ kỷ lục 425 điểm cơ bản trong 10 tháng. Lạm phát của nước này, đã đạt đỉnh 8,1% và giảm xuống 6,3% trong tháng 12, vẫn cao hơn gấp 3 lần mục tiêu 2% của BoC.
3) New Zealand
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã tăng tốc độ thắt chặt trong tháng 11 khi quyết định mức tăng lãi suất kỷ lục 75 điểm cơ bản sau 5 lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản liên tiếp.
Biên bản cuộc họp cho thấy RBNZ đã xem xét việc tăng 100 điểm cơ bản, nhưng quyết định lựa chọn mức tăng thấp hơn (75 điểm cơ bản). Ngân hàng trung ương New Zealand đã nâng dự báo lãi suất cao nhất lên 5,5%, tăng so với dự báo trước đó là 4,1%.
4) Vương quốc Anh
BoE, ngân hàng trung ương lớn đầu tiên quay trở lại chính sách thắt chặt tiền tệ vào tháng 12/2021, hôm thứ Năm (2/2/2023) đã nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp lên 4%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, BoE đã từ bỏ cam kết trước đây là tiếp tục tăng lãi suất một cách "mạnh mẽ" và cho biết lạm phát ở Anh có lẽ đã lên đến đỉnh điểm.
5) Úc
Ngân hàng Dự trữ Úc tiếp tục lộ trình của mình với đợt tăng 25 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp vào tháng 12 vừa qua, đưa lãi suất cơ bản lên 3,1%, mức cao nhất trong một thập kỷ.
Thị trường dự đoán Úc sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất hai lần 25 điểm cơ bản nữa trong chu kỳ thắt chặt này sau khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 33 năm vào quý IV/2022.
6) Na Uy
Na Uy, quốc gia đã khởi động xu hướng thắt chặt trên toàn cầu bằng cách tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9/2021, cũng là quốc gia đi tiên phong trong việc kết thúc xu hướng này khi giữ nguyên tỷ lệ lãi suất chính sách ở mức 2,75% vào ngày 19/1.
Trong một dấu hiệu khác báo hiệu tương lai của các động thái lãi suất toàn cầu, Ngân hàng Norges cũng lưu ý rằng áp lực lạm phát đang giảm bớt và các đợt tăng lãi suất trước đó đang làm chậm nền kinh tế.
7) Khu vực đồng Euro
ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 2,5% vào thứ Năm (2/2/2023), lần tăng thứ 5 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Ngân hàng này cho biết họ dự định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 3 để đưa lạm phát xuống mục tiêu trung hạn 2%.
Trong khi lạm phát chung của khu vực đồng euro giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 1, giảm từ 9,2% trong tháng 12 xuống 8,5% trong tháng 12, lạm phát cơ bản vẫn giữ ổn định ở mức 5,2%.
8) Thụy Điển
Lạm phát của Thụy Điển đã đạt mức cao nhất trong 30 năm là 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 12, gây áp lực lên ngân hàng Riksbank trong việc tiếp tục tăng chi phí vay.
Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lên 2,5% vào tháng 11 và cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/2/2023.
9) Thụy Sĩ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản lên 1% vào tháng 12, là lần tăng lãi suất thứ 3 trong năm 2022. Các quan chức cấp cao của SNB đã báo hiệu rằng lãi suất có thể tăng thêm trong năm nay.
Tháng trước, Chủ tịch SNB Thomas Jordan cho biết còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về lạm phát, mặc dù lạm phát đã giảm xuống 2,8% trong tháng 12 so với một năm trước đó.
10) Nhật Bản
Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) là ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thái độ ôn hòa nhất. BOJ đã tiến gần hơn đến việc kết thúc chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng vào tháng 12/2022 với một sự điều chỉnh táo bạo đối với kế hoạch kiểm soát đường cong lợi suất mà họ sử dụng để giảm lãi suất vay.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2023, BOJ không đưa thêm một sự thay đổi nào nữa trong chính sách của mình. Nhưng khi lạm phát gia tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khuyến nghị BOJ để lãi suất trái phiếu chính phủ di chuyển tự do hơn và xem xét tăng lãi suất ngắn hạn. Bất kỳ động thái nào như vậy đều có thể làm rung chuyển thị trường khi các nhà đầu tư Nhật Bản bán tài sản ở nước ngoài để đầu tư về nước.