Sau nhiều năm có mức tăng trưởng chưa từng có và đạt lợi nhuận kỷ lục, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đều kỳ vọng thị trường sau đại dịch Covid-19 sẽ còn bùng nổ hơn nữa.
Quy mô tuyển dụng của các công ty vì thế cũng tăng vọt nhằm đáp ứng viễn cảnh rất đẹp ấy. Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ khi Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, báo hiệu nguy cơ lớn hơn rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Hàng loạt công ty công nghệ lớn phải thanh lọc nhân sự để giảm chi tiêu. Ảnh: Gee Draw.
Nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã phải giảm tốc khi mô hình mua sắm thay đổi sau đại dịch. Đặc biệt, thanh lọc nhân sự đang là ưu tiên hàng đầu của toàn bộ ông lớn công nghệ.
Quá tự tin vào vĩ mô
Nền tảng xử lý thanh toán Stripe là một trong những công ty công nghệ nổ phát súng đầu tiên về thanh lọc nhân sự. Hôm 4/11, công ty thông báo sẽ cắt giảm 1.100 nhân sự, khoảng 14%.
"Chúng tôi đã tuyển quá nhiều so với nhu cầu của thị trường. Công ty đã quá lạc quan về tình hình vĩ mô", những người đồng sáng lập Stripe tự trách mình.
Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk cũng bắt đầu cuộc thanh trừng diện rộng với kế hoạch sa thải 50% nhân viên của Twitter. Tối hậu thư về thay đổi cách làm việc của ông khiến khoảng 1.000 nhân viên nữa xin nghỉ.
Các ông lớn công nghệ đã quá tự tin vào tình hình vĩ mô mà tuyển dụng quá mức cần thiết. Ảnh: Marketwatch.
Nhà sáng lập Jack Dorsey cho rằng ông có lỗi khi để Twitter phát triển quá nhanh, gián tiếp đẩy toàn bộ nhân viên đến tình trạng hỗn loạn hiện tại.
"Tôi biết nhiều người đang tức giận. Tôi chịu trách nhiệm về nguyên nhân dẫn đến việc mọi người đều rơi vào tình cảnh hiện tại. Tôi đã phát triển quy mô công ty quá nhanh", nhà sáng lập Twitter, Jack Dorsey viết hôm 5/11.
Trong bức thư gửi nhân viên hôm 8/11, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người.
Zuckerberg nói rằng bản thân phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của công ty, cũng như việc ông từng đánh giá quá cao khả năng tăng trưởng dẫn đến tình trạng thừa nhân viên, các nguồn thạo tin cho biết.
Hiện Twitter chỉ còn 3.700 nhân viên sau cuộc "thanh trừng". Ảnh: Getty Images.
Điệp khúc thừa nhận của các CEO công nghệ đã dấy lên một sự thật rằng họ đã tuyển dụng quá mức cần thiết, trong bối cảnh ngành công nghiệp cần thanh lọc vì nền kinh tế đang xấu đi.
Sụp đổ bởi sự kỳ vọng
Khi các công ty đạt được lợi nhuận cao ngất ngưởng, họ tin tưởng rằng thời đại bùng nổ do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ còn tiếp tục. Vì thế, các ông lớn công nghệ mạnh tay mở rộng quy mô bằng cách tích trữ nguồn tài nguyên đắt giá và được tranh giành nhất trong ngành kinh doanh phần mềm: Nhân tài.
Các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon từ lâu đã coi việc tuyển dụng không chỉ là lấp chỗ trống. Cuộc chiến nhân tài khốc liệt trong ngành cho thấy các công ty lớn như Google và Meta đang cạnh tranh khốc liệt để tìm những nhân tố nổi bật và sáng giá nhất.
Với các ông lớn công nghệ, đội ngũ nhân viên hùng hậu cùng việc đứng đầu danh sách công việc mong ước cho sinh viên tốt nghiệp đại học là biểu tượng của sự phát triển, thịnh vượng và danh tiếng. Trong khi đó, đối với các sinh viên, trở thành nhân viên của các ông lớn công nghệ là một xác nhận cho sự thành công.
Đã từng có lúc các công ty công nghệ đua nhau làm mọi cách để thu hút nhân tài. Ảnh: Getty Images.
Tâm lý này ăn sâu vào các công ty công nghệ lớn nhất, khiến họ cải tạo khuôn viên công ty xa hoa ngang ngửa với các trường đại học. Các startup nhỏ hơn cũng học hỏi, sẵn sàng mang lại cơ hội làm giàu đổi đời cho nhân viên dưới dạng quyền chọn cổ phiếu.
Tiền vốn dư thừa đã khuyến khích các công ty tăng nhân sự, đổ thêm dầu vào cuộc chiến giành nhân tài. “Các công ty đối diện áp lực phải tiêu tiền và phát triển đủ nhanh để biện minh cho các nhà đầu tư", Eric Rachlin, doanh nhân đồng sáng lập Body Labs, một công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo mà Amazon đã mua lại cho biết.
Ngoài ra, mở rộng số lượng nhân viên cũng là một cách để các nhà quản lý thăng tiến sự nghiệp của họ. “Có nhiều người hơn trong nhóm dễ dàng hơn là nói với mọi người rằng hãy làm việc cực kỳ chăm chỉ", Rachlin nói.
Tuy nhiên, kế hoạch này giờ đây lại trở thành gánh nặng với các công ty và doanh nghiệp kinh doanh công nghệ.
Hơn 100.000 nhân viên công nghệ đã mất việc trong năm nay, theo Layoffs, một trang web chuyên theo dõi quá trình sa thải nhân viên. Quá trình thanh lọc diễn ra khắp nơi, từ các công ty nổi tiếng như Meta, Salesforce, Booking và Lyft cho đến các startup được đánh giá cao như dịch vụ giao hàng Gopuff.
Các ông lớn công nghệ sẵn sàng cải tạo khuôn viên văn phòng làm việc xa hoa ngang ngửa với các trường đại học. Ảnh: Salesforce.
Hầu hết chuyên gia phân tích đều đưa ra nhận định các lãnh đạo công nghệ đã quá chậm chạp trong việc phản ứng với những dấu hiệu suy thoái kinh tế vốn đã xuất hiện từ đầu năm nay, hậu quả từ việc tuyển dụng quá mức.
Cụ thể, khi giá trị tăng vọt lên hơn 1 nghìn tỷ USD, Meta đã tăng gấp đôi số nhân viên của mình lên mức 87.314 người chỉ trong 3năm qua. Ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood thậm chí còn mở rộng lực lượng lao động gần gấp 6 lần vào năm 2020 và 2021.
“Họ đã lên những kế hoạch vốn không thực tế", Caitlyn Metteer, Giám đốc của Lever, một nhà cung cấp phần mềm tuyển dụng cho biết.