Là thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc, Thâm Quyến mới đây vừa công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm livestream bán hàng điện tử mới, có quy mô ảnh hưởng toàn cầu. Chính quyền thành phố tham vọng dự án này sẽ kích cầu tiêu dùng và thu về 300 tỷ NDT (43,7 tỷ USD) doanh thu vào năm 2025.
Với mục tiêu mở rộng ngành công nghiệp bán hàng online qua livestream ở địa phương, Thâm Quyến kỳ vọng có thể tự xây dựng hoặc thu hút ít nhất 100 doanh nghiệp hàng đầu đến hợp tác trong vòng 3 năm tới. 50 tòa nhà cũng được lên kế hoạch xây dựng để phục vụ "khu công nghiệp all in one", tức tất cả trong một, từ thiết bị livestream, thiết kế bối cảnh, khu chỉnh sửa hậu kỳ... Chính quyền được phương cũng góp sức giúp các nền tảng thương mại điện tử mở trụ sở hoạt động mới ở Thâm Quyến và tìm ra những công nghệ mới như AI, idol ảo, metaverse cho lĩnh vực livestream.
Theo SCMP, với sự bùng nổ của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19, giới chức Trung Quốc đang tăng cường giám sát và quản lý lĩnh vực này để khôi phục tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu giảm sút. Sau khi livestream trở thành ngành công nghiệp trị giá 400 tỷ USD ở Trung Quốc, các nhà cung cấp, streamer và đại lý Trung Quốc đã trở thành người tạo ra xu hướng mua sắm mới, kỳ vọng rằng chiến thuật tiếp thị đa kênh sẽ thu hút người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Thậm chí, các thương hiệu xa xỉ hàng đầu cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. “Bán lẻ trực tuyến là chiến lược chung cho các thương hiệu cao cấp quốc tế tại Trung Quốc vào năm 2022. Các thương hiệu này đã thành lập cửa hàng trực tuyến, cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử và hiện diện trên mạng xã hội như Douyin", ông Zhou Ting, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại viện Yaok cho biết. “Chúng tôi thấy rằng 44% thương hiệu xa xỉ có tiếp thị đa kênh và chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển”.
Giám đốc điều hành của thương hiệu cao cấp Coach của Mỹ, Todd Kahn, đã đến Trung Quốc vào tuần trước để tự mình đánh giá thị trường, nghiên cứu phương án tăng doanh số bán hàng và thu hút người tiêu dùng Gen Z. “Hiện tại ở Trung Quốc, chúng tôi có hơn 30 trạm phát trực tiếp (livestream) tại các cửa hàng ở các thành phố khác nhau. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội tăng trưởng to lớn. Tôi nghĩ đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất đối với chúng tôi", ông Kahn nhận xét. Vị CEO này nói thêm rằng Trung Quốc là một thị trường số hóa phát triển, nơi trải nghiệm đa kênh cho người tiêu dùng Trung Quốc được ưu tiên.
Thực vậy, việc phát trực tiếp đã trở thành một chiến lược bán lẻ mới để thu hút thế hệ trẻ. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm nay, những người phát trực tiếp đã kiếm được 360 tỷ lượt xem để bán hơn 34 triệu loại sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.
“Không có cửa hàng ngoại tuyến nào có thể bán hàng triệu sản phẩm thông qua một kênh duy nhất chỉ trong 1 ngày”, Bian Shiqi, học viên tham dự chương trình đào tạo ở Quảng Châu chia sẻ với Rest of World . Sau vài năm làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế, cô tin rằng tiếp thị đa kênh có thể là tương lai của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Không nằm ngoài xu hướng, Coach cũng đang hợp tác với Tencent trong một dự án kỹ thuật số, sau khi hãng thời trang này khai trương một cửa hàng nghệ thuật kỹ thuật số ở Bắc Kinh vào năm ngoái, trưng bày video hoạt hình 3D về các sản phẩm của mình. Hãng cũng hợp tác với thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc White Rabbit cho các sản phẩm mới để thu hút những người mua sắm trẻ tuổi. Vào năm 2022, doanh thu ròng của Coach tại Trung Quốc Đại lục lên tới 892 triệu USD, tăng 48% so với năm 2020.
Gucci, một thương hiệu xa xỉ thuộc tập đoàn Kering, cũng thâm nhập sâu vào không gian kỹ thuật số của Trung Quốc để thu hút người tiêu dùng và tạo ra những cơn sốt trên mạng. Ví dụ, bộ phận mỹ phẩm của hãng đã tung ra một chương trình tương tác trên ứng dụng WeChat, cho phép người dùng chụp ảnh tự sướng và “dùng thử” các sản phẩm khác nhau thông qua filter (bộ lọc), nhằm tìm ra sản phẩm phù hợp với tông da. “Tiếp thị trực tuyến là lý do chính khiến Gucci phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch”, công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting cho biết.
Chỉ riêng năm ngoái, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa đã được bán thông qua kênh livestream trên các ứng dụng như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok hoặc Kuaishou, tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019. Gần 500.000 người dùng Internet tại đại lục đã trải nghiệm hình thức mua sắm này, ngay cả khi chúng vẫn còn mới lạ ở phương Tây. Đối với người Mỹ, livestream gợi nhớ đến hình thức mua sắm trên truyền hình nhưng nhiều tương tác và hấp dẫn hơn.
Đối với người xem, sự hấp dẫn không chỉ đến từ sự tiện lợi mà còn là cảm giác được phục vụ. Họ có thể yêu cầu các streamer mặc thử quần áo hay test thử sản phẩm lên da để kiểm chứng chất lượng. Các nhà hàng, thẩm mỹ viện, thậm chí cả đại lý ô tô và nhà phát triển bất động sản đều đang thu hút được khách hàng thông qua livestream. Nhiều thương hiệu toàn cầu từ Ikea đến Louis Vuitton đều đã trả tiền cho những KOL ở Trung Quốc để truyền phát trực tiếp sản phẩm.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt, cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer bỏ đi. Suy thoái kinh tế rộng lớn cũng thúc đẩy việc sa thải nhân viên tại các công ty đứng sau nhiều nền tảng phát trực tuyến. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc, lo lắng quá nhiều về sự bành trướng, còn đặt ra nhiều quy định đối với ngành công nghiệp truyền phát tỷ USD.
Theo SCMP, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã tăng 8,6% lên 3.290 tỷ NDT (477 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Ngoài ra, Morgan Stanley dự kiến mức chi tiêu cho hàng xa xỉ của công dân Trung Quốc sẽ vượt quá 20% vào năm 2023, tương đương với tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 7%. Do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các thương hiệu xa xỉ dồn hết sức lực nhằm chiếm thị phần trên "chiếc bánh lớn" này trong thời gian tới.