Dữ liệu từ HFR - một công ty dữ liệu về ngành quỹ phòng hộ - cho thấy các quỹ phòng hộ trên toàn cầu đã lỗ 5,6% trong 6 tháng đầu năm nay, tiến tới hoàn tất năm lỗ nhiều thứ hai kể từ năm 1990 - thời điểm dữ liệu bắt đầu được ghi lại. Mức giảm cả năm nay của ngành có thể chỉ kém mức độ thua lỗ ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Các quỹ lớn thua lỗ la liệt
Phần lớn thua lỗ trên tập trung ở các quỹ đầu tư cổ phiếu giá lên-giá xuống (long-short equity funds). Các quỹ này quản lý tổng cộng khoảng 1,2 nghìn tỷ USD tài sản và đặt cược vào sự tăng-giảm giá của cổ phiếu. Theo HFR, bình quân các quỹ giá lên-giá xuống lỗ 12% trong nửa đầu năm nay. Chuyên gia John Schlegen của JPMorgan Chase dự báo các quỹ này chỉ lãi khoảng 1% trong tháng 7, ít hơn nhiều mức tăng 7% của thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng.
“Rõ ràng, chiến lược giá lên-giá xuống cổ phiếu đã trở thành một thảm họa”, Giám đốc đầu tư Scott Wilson của Quỹ quyên tặng thuộc Đại học Washington, St. Louis nhận định và nói thêm rằng mức lỗ từ đầu năm đến nay của một số quỹ phòng hộ thậm chí đã đảo ngược toàn bộ thành quả tăng của mấy năm trước.
Trao đổi với tờ Financial Times, ông Wilson gọi năm nay là một năm khó khăn đối với những quỹ đã đặt cược vào những công ty tăng trưởng cao vốn được coi là “cổ phiếu vàng” trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng nhưng sụt giảm chóng mặt trong năm 2022.
Một trong những công ty quản lý quỹ phòng hộ lỗ nặng nhất năm nay là Maverick Capital của Lee Ainslie - một nhà quản lý quỹ được gán biệt danh “hổ con” trong ngành quỹ phòng hộ. Sau 3 năm liên tiếp đạt mức lãi 2 con số, Maverick đã lỗ 35% trong 6 tháng đầu năm nay. Công ty Light Street của một nhà quản lý quỹ mới nổi khác là Glen Kacher lỗ hơn 40%.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ sừng sỏ Daniel Loeb chứng kiến Công ty Third Point của ông lỗ khoảng 20% trong nửa đầu năm. Trong đó, quỹ này mất nhiều nhất vào những cổ phiếu như Công ty phần mềm SentinelOne và Hãng xe điện Rivian. Công ty Skye Global - được thành lập bởi ông Jamie Sterne, một cựu chuyên gia phân tích của Third Point - lỗ 35% trong 6 tháng đầu năm, trong đó mức lỗ của tháng 6 là 10,4%.
Trong một báo cáo gửi khách hàng, ông Stern nói rằng chuỗi thành tích lãi lớn của công ty trong gần 6 năm qua “đã bị đứt gãy vì kết quả rất tệ” của 6 tháng đầu năm nay. Nếu tính từ khi thành lập, Skye Global vẫn lãi bình quân 30% mỗi năm. “Thủ phạm” chính gây thua lỗ cho công ty trong năm nay là Amazon - cổ phiếu đã giảm 36% trong 6 tháng đầu năm, nhưng đến nay đã thu hẹp mức giảm tính từ đầu năm còn khoảng 19%.
Một nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng khác không tránh được cảnh thua lỗ trầm trọng trong năm nay là Chase Coleman, người đứng đầu Quỹ Tiger Global. Trong một lá thư Tiger Global gửi nhà đầu tư mà tờ Financial Times tiếp cận được, công ty này cho biết một quỹ chỉ đầu cơ giá lên (long-only fund) của công ty lỗ 63,6% trong quý 2 sau khi đã tính đến phí quản lý. Ngoài ra, quỹ chính của công ty lỗ 50% trong nửa đầu năm nay.
Lý giải về thua lỗ này, Tiger Global nói rằng công ty đã đánh giá thấp về lạm phát. “Nhìn lại nửa đầu năm nay, rõ ràng chúng tôi đã đánh giá thấp ảnh hưởng của sự leo thang lạm phát toàn cầu. Chúng tôi đã bước sang năm 2022 với mức độ rủi ro quá lớn”, lá thư có đoạn viết.
Nỗi thất vọng của nhà đầu tư
Không phải tất cả các quỹ phòng hộ đều thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay. Một số quỹ như Quỹ của Brevan Howard chuyên đặt cược vào trái phiếu chính phủ Mỹ và tiền tệ, các quỹ đầu cơ dầu lửa như của Pierre Andurand, hay các quỹ định lượng đặt cược vào các xu hướng thị trường đều đã lãi lớn trong năm nay. Nhờ đó, kết quả chung của toàn ngành quỹ phòng hộ đã được cải thiện, tốt hơn mức giảm 21% của chỉ số MSCI All Country World Index - một thước đo của chứng khoán thế giới – trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, kết quả bết bát của nhiều quỹ đã mang đến sự thất vọng lớn cho những nhà đầu tư hy vọng rằng môi trường lãi suất tăng lên và thị trường biến động nhiều hơn sẽ mang lại cho các nhà quản lý quỹ phòng hộ chứng tỏ được khả năng chớp cơ hội. Trước đó, kết quả rực rỡ của ngành quỹ phòng hộ trong năm 2020 đã được xem như một tín hiệu về sự trở lại của kỷ nguyên vàng trong giao dịch.
Ngay trong năm 2021, các quỹ phòng hộ đã tỏ ra đuối sức. Năm nay, nhiều quỹ giá lên-giá xuống có vẻ không có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với cú giảm 13% từ đầu năm đến nay ghi nhận ở chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ. “Một số quỹ phòng hộ nên bỏ đi từ “phòng hộ”’ trong tên của họ từ lâu rồi”, nhà quản lý Quỹ Andrew Beer thuộc Công ty quản lý đầu tư Dynamic Beta nhận định.
“Các quỹ giá lên-giá xuống không phải là thứ bạn muốn có trên thị trường như thế này”, chuyên gia Patrick Ghali của Sussex Partners - một công ty chuyên tư vấn khách hàng về quỹ phòng hộ - phát biểu và nói thêm rằng ông ưa chuộng hơn các chiến lược đầu tư có mức độ đa dạng hóa cao hơn.
Đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thua lỗ của các quỹ phòng hộ khiến nhà đầu tư lo ngại, trong đó có những người đã trở nên thận trọng với các quỹ này. Sau khi hút được lượng vốn ròng 13,92 tỷ USD trong năm ngoái, các quỹ phòng hộ trên toàn cầu chỉ thu hút được 440 triệu USD trong quý 1 năm nay, bao gồm một lượng thoái vốn ròng lớn trong tháng 3, theo số liệu từ eVestment.
Số liệu từ Citco cho thấy ngành quỹ phòng hộ bị rút vốn thêm 10,1 tỷ USD trong tháng 6, dự kiến bị rút thêm 7,8 tỷ USD trong quý 3 và 6,4 tỷ USD trong quý 4 năm nay.
Từ mấy năm trước, nhà quản lý Quỹ Wilson của Đại học Washingotn đã quyết định cắt giảm mức phân bổ vốn của quỹ mà ông quản lý vào các quỹ phòng hộ từ mức 20% danh mục. Hiện nay, lượng vốn mà quỹ này rót vào các quỹ phòng hộ chỉ chiếm khoảng 5% danh mục. Quỹ lương hưu ABD của Hà Lan cũng giảm phân bổ vốn vào các quỹ phòng hộ và đánh giá các chiến lược đầu tư có thể tự mình thực hiện, thay vì rót vào các quỹ đầu tư bên ngoài, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng tự kiểm soát vốn.
Dù vậy, tình trạng thua lỗ của các quỹ phòng hộ có vẻ không làm lay chuyển sự tự tin của các nhà quản lý quỹ trong ngành này vào khả năng thu hút nhà đầu tư.
Một cuộc khảo sát do SigTech thực hiện với sự tham gia của 100 công ty quản lý quỹ phòng hộ nắm 194 tỷ USD cho thấy 23% dự báo các nhà đầu tư tổ chức sẽ tăng mạnh phân bổ vốn vào các quỹ phòng hộ trong 2 năm tới; 60% dự báo một sự tăng nhẹ về phân bổ vốn từ nhóm khách hàng này. Chỉ 4% dự báo các nhà đầu tư tổ chức sẽ giảm phân bổ vốn vào quỹ phòng hộ.