Với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, cạn kiệt nguồn nước xảy ra khắp nơi, các quốc gia đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này.
Trong đó, công nghệ làm mưa nhân tạo được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, giải nhiệt trong nắng nóng kéo dài.
"Gieo mây" để tạo mưa
Hệ thống làm mưa nhân tạo được nghiên cứu từ những năm 1940 bởi các nhà khoa học tại General Electric. Sau đó, nó được ứng dụng lần đầu làm vũ khí chiến đấu của quân đội Mỹ.
Giải thích về công nghệ này, Kondala Murali Mohan, nhà khoa học tại Krishi Vigyan Kendra, cho biết mưa nhân tạo sẽ được tạo ra từ quá trình “gieo mây”, sử dụng máy bay hoặc trực thăng để rải hóa chất vào mây nhằm tạo mưa trong các điều kiện thời tiết phức tạp.
Hóa chất này thường là muối, các thanh iot bạc, iot kali hoặc đá khô có kích thước như một điếu thuốc, được bắn vào các đám mây để giúp hình thành các tinh thể băng. Sau đó, các tinh thể sẽ giúp mây ngưng tụ, tạo ra mưa nhiều hơn.
“Thông thường, phương pháp này mất khoảng 1,5 giờ để mưa xuất hiện. Thời gian tạo mưa còn phụ thuộc vào vị trí chất hóa học được bắn vào. Lớp ngoài cùng sẽ cho ra thành quả nhanh hơn”, nhà khoa học chia sẻ với News18.
Công nghệ tạo mưa nhân tạo đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Trong đó, Trung Quốc là nước có chương trình làm mưa nhân tạo lớn nhất thế giới.
Năm 2008, quốc gia tỷ dân từng sử dụng hơn 1.000 tên lửa iot bạc để làm mưa nhân tạo trước thềm Olympic Bắc Kinh nhằm đảm bảo thời tiết khô ráo trong sự kiện.
Đặc biệt, trong thời gian nắng nóng kéo dài gần đây, có ít nhất 10 tỉnh thành ở Trung Quốc đã áp dụng phương pháp này để tạo mưa nhân tạo. Thực tế cho thấy sau khi “gieo mây”, Trùng Khánh đã đón đợt mưa đầu tiên vào ngày 25/8, đồng thời làm giảm nhiệt độ đến 9,2 độ C.
Cũng trong hôm đó, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã triển khai hai máy bay không người lái cỡ lớn để “gieo mây” trên bầu trời phía bắc và đông nam tỉnh Tứ Xuyên. Hai thiết bị này đã rải 20 thanh i-ốt bạc, bay suốt 4 tiếng đồng hồ và tạo mưa trong khu vực rộng hơn 6.000 km2 tại tỉnh này.
Còn ở Mỹ, chính quyền địa phương thường thuê các công ty điều khiển thời tiết gây mưa nhân tạo với mục đích gia tăng lượng mưa và nguồn cung cấp nước. Những dự án tăng cường lượng mưa được thanh toán thông qua một khoản phụ phí trong hóa đơn tiền nước. Họ coi đây là một trong những cách thức cung cấp nước ít tốn kém.
Gây tranh cãi vì tác động môi trường
Ngoài tạo mưa trong mùa nắng nóng, công nghệ “gieo mây” cũng có thể được sử dụng để làm tuyết rơi hoặc giảm thiểu mưa đá. Các nhà khoa học Trung Quốc còn chỉ ra mưa nhân tạo giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố.
Cụ thể, chỉ số ô nhiễm tại Bắc Kinh đã giảm hơn 2/3 và chất lượng không khí cũng được nâng từ bình thường lên tốt, theo Daily Beast.
Đối với các vùng khô hạn như sa mạc, nhiệt độ lên đến 50 độ C như Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), họ không chỉ áp dụng công nghệ mưa nhân tạo bằng muối hay iot bạc thông thường.
Các quốc gia này còn sử dụng dòng điện phóng ra từ máy bay không người lái để điều khiển thời tiết và tạo mưa trên khắp cả nước. Kết quả là mưa to như trút nước xuống đã đến với thành phố Dubai kèm sấm chớp sau khi áp dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, hệ thống tạo mưa nhân tạo cũng vướng phải nhiều tranh cãi vì những tác động tiêu cực lên môi trường. Theo chuyên gia về nông nghiệp Kondala Murali Mohan, công nghệ này sẽ gây ra tình trạng axit hóa đại dương, suy giảm tầng ôzôn và làm tăng mật độ khí CO2 trong khí quyển.
Bạc còn là một kim loại nặng, độc hại và gây nguy hiểm đến sức khỏe cây trồng, con người và các loài động vật. Bên cạnh đó, “gieo mây” cũng tiêu tốn rất nhiều chi phí. “Tạo mưa nhân tạo chỉ là một phương pháp tạm thời, không thể sử dụng trong thời gian dài”, Murali nhận định.
Phản đối ý kiến này, các cơ quan khí tượng học và nhà nghiên cứu của Trung Quốc khẳng định công nghệ tạo mưa nhân tạo không có nhiều tác động xấu đến môi trường. Hệ thống này không ảnh hưởng đến lượng mưa toàn cầu, làm biến đổi khí hậu thêm trầm trọng hay phá hủy hệ sinh thái như nhiều người thường nghĩ.
Theo Wei Ke, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, chất hóa học tạo mưa thường được rải ở các khu vực có diện tích lớn nên hàm lượng iot bạc chỉ chiếm rất nhỏ.
“Do đó, ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể”, ông nói. Bên cạnh đó, “gieo mây” còn giúp giải quyết vấn đề liên quan đến điều kiện khắc nghiệt và có thể tăng lượng mưa lên đến 20%.