Hầu như mỗi ngày trong 10 năm qua, ông Wan Jinjun, 62 tuổi, đều đến bơi trên sông Dương Tử, đoạn chạy qua thành phố Vũ Hán. Nhưng năm nay, ông không thể làm thế nữa vì sông đã cạn khô, ông Wan cho biết chưa bao giờ mình thấy hạn hán như thế này.
Theo Bloomberg, sông Dương Tử là con sông lớn chảy qua mọi miền của Trung Quốc và đã trở thành nguồn cung cấp nước cho nhiều trang trại và nhà máy của nước này, trong đó có cả Đập Tam Hiệp - đập thuỷ điện lớn nhất thế giới. Nước rút trên sông đã làm ảnh hưởng đến sản xuất tại nhiều nhà máy thuỷ điện quan trọng, gây ra tình trạng thiếu hụt điện năng tại không ít địa phương.
Để hỗ trợ tình hình này, các thành phố lớn ở Trung Quốc đã buộc phải tắt bớt đèn, thang cuốn và giảm bớt điều hoà nhiệt độ. Nhiều công ty và nhà máy sản xuất đã phải đóng cửa, nhà sản xuất xe điện Tesla thậm chí còn phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng tại nước này.
Mùa hè ác mộng
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng điện năm nay tại Trung Quốc được nhận xét là ít nghiêm trọng hơn so với năm ngoái - khi cú sốc thiếu than dẫn đến cắt điện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, nó vẫn làm nặng thêm những thách thức mà giới chức trách Trung Quốc phải đối mặt khi phục hồi nền kinh tế đang sa sút. Trước đó, kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong toả Covid-19 và sự sụp đổ của ngành bất động sản.
Tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc đang phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1960. Cho đến nay, đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Trung Quốc do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện.
Được biết, lưới điện của tỉnh này đang phục vụ cho lượng dân số có quy mô tương đương nước Đức, đồng thời cung cấp điện năng cho các trung tâm công nghiệp lớn - đây cũng là nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp cho Tesla.
Khi nguồn nước trở nên khô hạn, chính phủ đã phải chấp nhận giảm công suất thuỷ điện ở Tứ Xuyên xuống còn một nửa trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên không ít. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu điện trên toàn tỉnh và còn gây áp lực lên hệ thống điện chung của Trung Quốc.
Nguy cơ quay về với điện than
Hiện tại, thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 18% sản lượng điện của nước này vào năm 2020.
Đồng thời, nước này cũng đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh khi đầu tư một thống pin mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới.
Trong nửa đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 98 tỷ USD vào năng lượng sạch, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Wei Hanyang - một nhà phân tích của BloombergNEF - cho rằng sẽ còn rất lâu Trung Quốc mới có thể ngừng phụ thuộc vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Minh chứng là tình trạng hiện tại ở Tứ Xuyên đã cho thấy thuỷ điện - một trong những nguồn năng lượng tái tạo ổn định nhất - vẫn chưa đủ bền vững bằng than đá. Những nguồn năng lượng khác như năng lượng gió và mặt trời thậm chí còn kém ổn định hơn.
Hơn nữa, Trung Quốc còn lên kế hoạch tăng công suất điện than sau cuộc khủng hoảng năm ngoái. Dưới áp lực của chính quyền trung ương, các mỏ than đã nâng sản lượng thêm 11% trong năm nay.
Các kho dự trữ than đầy ắp đã giúp cuộc khủng hoảng không lan sang những khu vực khác của Trung Quốc, nhưng chẳng giúp ích được gì nhiều cho Tứ Xuyên, vì 75% các nhà máy ở đây là thủy điện.
Chính vì vậy, ông Li Shuo - nhà phân tích tại Greenpace - hi vọng rằng giải pháp của chính phủ để giải quyết tình trạng này ở Tứ Xuyên không phải là cung cấp thêm than đá.
Ngoài ra, một số địa phương khác bên cạnh tỉnh Tứ Xuyên cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Bờ sông bến Thượng Hải đã tắt điện ngoài trời, còn Vũ Hán thì tạm dừng trình diễn nhạc nước trên sông Dương Tử.
Cuộc khủng hoảng lần này được dự đoán sẽ không tồi tệ như năm ngoái vì các biện pháp kiểm soát điện năng chủ yếu được giới hạn ở Tứ Xuyên - nơi chỉ chiếm khoảng 5% GDP của cả nước.
Song, nó vẫn có thể gây rủi ro cho nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD này. Giới chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống chưa tới 4%, thấp hơn hẳn mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Mối nguy toàn cầu
Theo Bloomberg, Trung Quốc không phải nước duy nhất phải đối phó với nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán trong mùa hè năm nay.
Hạn hán ở Ấn Độ khiến diện tích trồng lúa giảm 13% trong năm 2022, đe doạ nguồn cung lương thực toàn cầu. Còn châu Âu, nhiệt độ cao đã khiến cho sông Rhine khô cằn, ảnh hưởng đến vận tải đường thuỷ trên toàn nước Đức.
Nhà khoa học khí hậu Andrea Toreti tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Uỷ ban châu Âu (EU) đánh giá đây là đợt hạn tồi tệ nhất trong 500 năm qua.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tạo ra những mô hình thời tiết ngày càng bất ổn, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới có thể sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng và hạn hán thường xuyên, dai dẳng hơn trong những năm tới.