Mina Chung (Tác giả)
- Đại sứ The New Savvy Việt Nam
- 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, fintech và quỹ đầu tư khởi nghiệp
-Hiện tham gia quản lý tổ chức giáo dục phi lợi nhuận về tài chính cá nhân
Bất cứ thành công nào cũng cần đi đôi với tính kỷ luật. Và việc ép mình vào khuôn khổ đôi khi đồng nghĩa bạn phải đánh đổi nhiều khoảnh khắc mua sắm “thả ga”, kế đó là dành dụm một phần thu nhập để chinh phục những mục tiêu lớn hơn.
Để tiết kiệm không phải là gánh nặng
Bí quyết để tìm thấy niềm vui từ quá trình tiết kiệm là thay đổi tư duy và luyện tập thói quen dùng tiền cẩn thận. Cảm giác quyền lực và hạnh phúc khi tiêu pha là thật, nhưng nó sẽ sớm qua đi một khi bạn thanh toán xong món hàng này và bắt đầu nhìn qua món khác.
Nếu cảm thấy việc tiết kiệm có phần khó khăn, khả năng cao bạn đang áp dụng phương pháp chưa phù hợp hoặc tỷ lệ phân bổ chưa hợp lý.
Ví dụ, một số người thực hiện quy tắc 50/30/20 - dành ra 20% lương tháng để tiết kiệm và chi tiêu phần còn lại, trong khi nhiều người chọn cách tính toán từng đồng cụ thể, tiền dư sẽ bỏ ống heo.
Bạn sẽ cần quan sát, điều chỉnh một thời gian để tìm ra cách hiệu quả nhất đối với mình.
Con số tỷ lệ cũng có thể thay đổi theo từng thời điểm và thu nhập khác nhau, miễn là bạn đừng quên buộc mình trích tiền một cách tự động. Thay vì xem tiết kiệm là một áp lực, hãy nghĩ đến nó như hình thức “ trả lương cho bản thân ” để ước mơ về nhà mới, xe mới, nghỉ hưu an nhàn,... sớm thành hiện thực.
Nhu cầu mua sắm là thứ có thể được đáp ứng vào cuối năm - khi những kỳ siêu khuyến mãi diễn ra - để bạn tự tưởng thưởng vì nỗ lực lao động, tích lũy đều đặn.
Cách tiết kiệm nhẹ nhàng nhưng hiệu quả
Bên dưới là 5 gợi ý nhỏ bạn có thể tham khảo để việc quản lý ngân sách ít căng thẳng hơn.
Tự động hóa tiết kiệm
Tự động hóa vừa là cách bạn chủ động giữ kỷ luật, vừa giúp bạn không vô tình lãng quên khoản tiền quan trọng này.
Mỗi khi lương được chuyển vào tài khoản, hãy nhanh chóng cắt một phần trả cho mình rồi chuyển nó vào sổ tiết kiệm tự động gia hạn hoặc tài khoản đầu tư rủi ro thấp.
Hạn chế tăng chi phí khi tăng thu nhập
Trường hợp thu nhập được cải thiện, bạn có thể ưu tiên tăng tỷ lệ tiết kiệm và gửi trực tiếp tiền dư vào khoản dành dụm.
Nhiều người có xu hướng tăng chi phí khi sở hữu thu nhập cao, ví dụ như uống cà phê từ những thương hiệu cao cấp thay vì pha tại nhà. Dù vậy nếu nghĩ cho tương lai, bạn nên cố gắng kiểm soát ví tiền và hạn chế chạy theo cảm xúc.
Đến khi đạt được một mục tiêu nhất định, bạn có thể tự do sắm chiếc túi hiệu yêu thích hay điện thoại mới. Món quà sẽ tạo động lực và cả niềm vui để bạn tiếp tục hành trình của mình.
Tận dụng mùa khuyến mãi
Thời điểm khuyến mãi là lúc các thương hiệu đua nhau giảm giá. Đây là cơ hội lý tưởng để bạn phục vụ các nhu cầu thiết yếu.
Giả sử, bạn cần mua một chiếc máy ảnh để hỗ trợ công việc làm thêm nhưng 2 tháng sau mới đến kỳ ưu đãi. Nếu không quá gấp gáp, bạn nên chờ thêm một chút để hưởng giá tốt hơn.
Lưu ý tránh chi tiêu sa đà vào những món bạn thích nhưng không cần. Nhiều người phạm sai lầm này khi săn sale, từ đó ngân sách bị thâm hụt và thấy việc tiết kiệm trở nên áp lực lớn.
Dùng một thẻ tín dụng
Lời khuyên được nhắc đi nhắc lại trong quản lý tài chính cá nhân vẫn là đừng bao giờ nợ thẻ tín dụng.
Chỉ sử dụng một chiếc thẻ tín dụng giúp việc quản lý, tích điểm và trả nợ đúng hạn diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi lịch sử tín dụng của bạn tốt, bạn sẽ có lợi thế như trả góp 0% lãi.
Lên lịch mua sắm riêng
Bạn có thể đặt cho mình một giới hạn cụ thể, ví dụ như chỉ mua quần áo 3 lần/năm. Sau khi hết số lần đã định, bạn không được phép mua thêm nữa.
Một cách khác cũng phổ biến đối với nữ giới là lên ngân sách rõ ràng cho việc mua sắm, khi nào xài hết quỹ thì dừng lại. Với mua hàng trực tiếp, không ít người chọn bỏ thẻ tín dụng ở nhà để không lố tay.
Bên cạnh đó, hãy luôn kiểm tra mình đã tiết kiệm tối thiểu 20%/tháng hay chưa. Nếu chưa, có lẽ chiếc đầm sang trọng hay chai nước hoa lấp lánh trong tủ kính hoàn toàn có thể chờ.