Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu: Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhấn mạnh hai kiến nghị với Bộ Tài chính: Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường. Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa được Bộ Tài chính giải quyết”.
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu rõ, thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên mức rất cao.
“Điều đáng nói ở đây không phải chỉ là cơ chế về giá trong nước. Bởi lẽ trong công thức tính giá, cơ quan nhà nước đã quy định rất rõ việc tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, những chi phí nằm trong công thức giá vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát lại, chưa được hiệu chỉnh lại” – ông Bùi Ngọc Bảo nêu rõ.
Trong khi đó, rõ ràng từ năm 2014 đến nay, những yếu tố như lạm phát, những chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất đã có những thay đổi nhưng lại chưa được tính toán và rà soát một cách kịp thời trong Chi phí kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là có những phụ phí vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp.
“Đối với mặt hàng xăng, chúng ta đang tính phụ phí trên cơ sở giá dầu/giá xăng chỉ ở mức 85USD/thùng, nhưng trong quý I và hiện tại, giá xăng dầu đã lên đến hơn 110-120USD/thùng. Do đó, có thể nói là những phụ phí trong công thức giá không theo kịp đó dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối thiếu phần chi phí và đương nhiên sẽ tác động đối với hệ thống của đầu mối là đại lý hoặc là thương nhân phân phối, dẫn đến chiết khấu giảm mạnh” – ông Bảo phân tích.
Trong khi đó, để vận hành thị trường xăng dầu một cách trơn tru, phù hợp, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật, thì cần làm sao để doanh nghiệp đủ chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp xăng dầu cũng phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.
Bởi vậy, ông Bùi Ngọc bảo kiến nghị cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá mà không tính toán theo biến động ngày.