Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý II/2022. Đáng chú ý, báo cáo lần này ghi nhận số dư quỹ đã trở lại mức dương sau khi các doanh nghiệp xăng dầu trích lập hơn 1.000 tỷ đồng trong quý gần nhất.
Cụ thể, cơ quan quản lý cho biết trong quý I, do số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trong nước lớn hơn số dư quỹ còn lại và số tiền được các doanh nghiệp trích lập thêm, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến cuối tháng 3 đã xuống mức âm gần 170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến quý II năm nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã trích lập thêm gần 1.008 tỷ đồng vào quỹ. Ở chiều ngược lại, nhờ giá xăng dầu nửa đầu quý II giảm đáng kể so với cuối quý I nên số tiền phải chi ra để bình ổn giá chỉ là gần 527 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức chi quý I (hơn 1.671 tỷ).
Như vậy, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II đã dương trở lại ở mức gần 311 tỷ đồng.
Tính trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã trích tổng cộng 1.610 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá. Ngược lại, quỹ này đã phải chi ra gần 2.200 tỷ đồng để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước, tương đương mức chi hơn 12,2 tỷ đồng/ngày.
Trong quý trước đó, do giá xăng dầu trong nước tăng mạnh, đặc biệt là nửa cuối tháng 3, nhà quản lý đã liên tục phải sử dụng quỹ để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Điều này khiến số dư quỹ rơi xuống mức âm lần thứ 2 kể từ Bộ Tài chính thống kê số liệu.
Liên quan hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết quỹ này là công cụ để "giảm chấn" trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc hoặc giảm mạnh.
Theo ông Chi, việc sử dụng công cụ điều hành sẽ giúp quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được đảm bảo. "Quỹ bình ổn xăng dầu không dùng cho ngân sách và cũng không cho bất kỳ ai. Chỉ phục vụ điều hành, điều hòa giá trong nước khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh", Thứ trưởng Chi nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được cơ quan điều hành trích và chi thích hợp. Điều này khiến giá bình quân thành phẩm xăng dầu trên thế giới tăng 11,38-45,95% nhưng trong nước đến kỳ điều hành cuối tháng 8 chỉ tăng 11,14-40,37%.
"Đến khi giá giảm nhiều chúng ta lại trích vào quỹ một phần. Một điều quan trọng ở Việt Nam, nếu giá xăng tăng, các mặt hàng khác tăng, nhưng khi xăng giảm thì các mặt hàng khác không giảm. Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng khác sẽ tăng cao hơn", ông Hải nhìn nhận.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất (12/9), liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giảm thêm 1.120 đồng/lít xăng E5 RON 92 và giảm 1.020 đồng/lít với xăng RON 95. Sau giảm, giá bán lẻ tối đa với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 22.230 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.210 đồng/lít.
Đây đã là lần điều chỉnh giảm thứ 8 liên tiếp của giá xăng trong nước kể từ trung tuần tháng 6 đến nay. So với đỉnh giá ghi nhận trong kỳ điều hành 21/6, giá xăng hiện tại đã giảm gần 30%.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này cũng quay đầu giảm mạnh. Trong đó, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, còn 24.180 đồng/lít; dầu hỏa giảm còn 24.410 đồng/lít.