Mới đây, tại Hội nghị triển khai Quyết định 1479 của Thủ tướng do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện.
Khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện có thể điều chỉnh tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo EVN cho rằng năm nay, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay.
"Từ các yếu tố nêu trên, tình hình tài chính EVN năm nay và thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn. Đồng thời, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới...", ông nhìn nhận.
Không thể điều chỉnh 10 ngày/lần như xăng
Hiện tại, theo Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần/tháng (vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng).
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Theo Quyết định 24/2017, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5-10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công Thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.
Tuy nhiên, Việt Nam đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay để thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Trao đổi với Zing, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là khả thi bởi hiện nay xăng dầu và điện là hai mặt hàng chịu tác động lớn từ thị trường thế giới.
"Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện có một số vấn đề khác so với xăng dầu. Thứ nhất là khác nhau về thủ tục thanh toán bởi xăng dầu là mặt hàng mua bán hàng ngày, trả tiền trực tiếp, còn giá điện trả theo tháng", ông nói.
Bên cạnh đó, chu kỳ và biên độ điều chỉnh giá cần được cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, xem xét, nghiên cứu phù hợp. Theo ông, giá điện không thể điều chỉnh 10 ngày một lần như giá xăng.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đề xuất điều chỉnh giá điện theo giá thị trường là hợp lý. "Tuy nhiên, khi điều chỉnh mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Song, đây cũng là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng vì tăng giá điện là vấn đề rất nhạy cảm", ông nhìn nhận.
Dẫn lại Quyết định 24/2017 của Chính phủ, ông Thịnh cho biết đã có quy định điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần. Do đó, nếu giá đầu vào tăng thì có thể điều chỉnh tăng giá điện.
EVN phải công khai, minh bạch chi phí
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá bán điện hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề do đó cần xem xét cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan từ chi phí phát điện đến chi phí truyền tải, chi phí bán buôn, bán lẻ... Làm sao phải công khai, minh bạch các chi phí cấu thành giá điện từ đó có mức tăng hợp lý.
"Bởi thực tế, ngành điện rất đa dạng gồm điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời... Vấn đề quan trọng là phải làm rõ cơ cấu giá điện hiện nay ra sao, tỷ trọng điện chiếm tổng sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế ra sao...", ông phân tích.
Cần xem xét tất cả các chi phí liên quan từ chi phí phát điện đến chi phí truyền tải, chi phí bán buôn, bán lẻ... Làm sao phải công khai, minh bạch các chi phí cấu thành giá điện để có mức tăng hợp lý.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Theo chuyên gia, đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí các chi phí đầu ra, đầu vào và việc điều chỉnh theo chu kỳ ra sao cần phải được tính toán kỹ lưỡng chứ không thể như giá xăng dầu 10 ngày một lần.
Ủng hộ đề xuất của EVN, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng đã đến lúc, giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường.
Theo ông, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành điện nói riêng không thể đứng ngoài, đứng độc lập với xu thế đó. Để sản xuất được điện thì chúng ta phải nhập khẩu nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện theo giá thị trường thế giới.
"Do đó, giá điện của nước ta không thể không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào này và những yếu tố cấu thành giá khác trong cơ cấu giá điện. Chính vì vậy, việc điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường phải được lựa chọn", ông nói.