Nhiều tiềm năng phát triển
Vùng Đông Nam bộ hay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Khu vực kinh tế này xem như đầu tàu cả nước, với sự phát triển rất vượt trội ở nhiều mặt, từ dịch vụ, công nghiệp cho đến tài chính, nguồn nhân lực.
TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế đánh giá, nhiều năm qua, vùng Đông Nam bộ vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Cụ thể vùng Đông Nam bộ đóng góp gần 45% GDP cả nước. Nhiều ngành công nghiệp phát triển vượt trội, số lượng khu công nghiệp chiếm trên 60 của cả nước với tỷ lệ lấp đầy khá là cao, khoảng gần 75%. Điều này cho thấy sự vượt trội trong đóng góp kinh tế, công nghiệp, dịch vụ của khu vực.
Thời gian qua, hàng loạt các hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng sông đã dựng lên. Các khu công nghiệp với những nhà máy từ nghiêng về lắp ráp ở Bình Dương đến những nhà máy mang tính chất công nghiệp nặng ở Phú Mỹ. Khu vực cũng đã đầu tư nhiều về hệ thống cảng, trong đó có hệ thống cảng biển như cảng Cái Mép, Thị Vải cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được triển khai như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, các dự án đường bộ cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... sẽ tạo chuỗi kết nối với hệ thống cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm tài chính, các đầu mối vận tải lớn trong khu vực Đông Nam Bộ và lớn hơn là châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Mặc dù là vùng có nhiều tiềm năng và đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, vùng Đông Nam Bộ còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước...
Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển, tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng…
Cải cách hành chính, cải thiện hạ tầng giao thông
Theo TS. Đinh Thế Hiển, để tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, trong thời gian tới vùng cần có những đột phá về giao thông. Hiện nay chúng ta vẫn chưa hoàn thành đường vành đai 3, tuyến đường vành đai 4 vẫn còn đang trong kế hoạch. Chính vì vậy trong thời gian tới, vùng Đông Nam bộ cần được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông.
Đồng thời, cần tăng cường liên kết vùng trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng, gồm Trung tâm đại học - đào tạo nghề; trung tâm công nghiệp - dịch vụ nền tảng của thị trường lao động. Bên cạnh đó, vùng cần liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết .
Cùng với cải thiện hạ tầng giao thông, TS. Huỳnh Thanh Điền – Chuyên gia kinh tế cho rằng, Đông Nam bộ cần tiếp tục đi đầu trong việc cải cách hành chính để thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Chú trọng rà soát, tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ, phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính; chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở hầu hết thủ tục, hướng đến phát triển chính quyền số, nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng.
“Một doanh nghiệp họ đến một địa phương để làm ăn thì họ xem xét nhiều yếu tố, thứ nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông; thứ 2 là chính sách đội ngũ cán bộ công chức để giải quyết các thủ tục hành chính; thứ 3 là nguồn nguyên liệu, tiếp theo là thị trường. Nếu chúng ta giải quyết được những yếu tố này thì vùng Đông Nam bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai”, TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.