Hàng năm, Apple đều quảng cáo iPhone có hệ thống camera xuất sắc nhờ phần cứng ấn tượng. Tiếp nối điều này, bộ đôi iPhone 14 Pro có những cải tiến mới nhất, bao gồm camera chính 48 MP với công nghệ tạo pixel (4 pixel nhỏ để tạo thành một pixel lớn), ống kính tele 3x cùng chế độ chụp ban đêm nhanh hơn.
Tuy vậy, theo chia sẻ từ tác giả Christine Romero của Digital Trends, kể từ dòng sản phẩm iPhone 13, ảnh chụp từ smartphone của Apple đều có chất lượng không tốt (trừ khi chuyển sang định dạng ProRaw). Các bức ảnh chụp ra không được đẹp như trên những dòng iPhone cũ hơn hay nhiều smartphone Android khác.
Điều này đến từ việc Apple đã thay đổi thuật toán chụp ảnh và tự động xử lý hậu kỳ sau khi người dùng bấm chụp. Do đó, nó đã vô tình làm hỏng các bức hình của người dùng khi không theo đúng ý họ.
Không thông minh như tuyên bố
Để chụp ảnh, các cảm biến sẽ thu nhận ánh sáng và độ chi tiết để tạo ra những bức hình. Tuy nhiên, do điện thoại thông minh nhỏ gọn hơn nhiều so với máy ảnh truyền thống nên khả năng làm việc của cảm biến sẽ bị hạn chế. Đó là lý do tại sao Apple cùng nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh khác chọn cách tối ưu phần mềm để cải thiện chất lượng hình ảnh.
Vào năm 2018, Apple đã giới thiệu tính năng Smart HDR trên iPhone và hiện nó đã có tuổi thọ 4 năm. Với Smart HDR đời thứ tư, thiết bị sẽ chụp nhiều ảnh với các cài đặt khác nhau rồi kết hợp các yếu tố “tốt nhất” của từng ảnh để cho ra sản phẩm. Mặc dù vậy, tính năng lại hoạt động không hiệu quả, theo Digital Trend.
Theo đó, sau khi sử dụng Smart HDR, hình ảnh sẽ trông giống như những gì người dùng đã chụp trong một giây ngắn ngủi với màu sắc có vẻ giả tạo, bị bệt ở một số vùng nhất định và quá bão hòa trong một vài trường hợp. Ngay cả màu da cũng trông hơi khác so với những gì người dùng nhìn thấy ngoài đời thực.
Tác giả Christine Romero cho biết cô rất yêu thích chế độ chụp ban đêm khi nó lần đầu tiên được giới thiệu trên dòng iPhone 11. Tuy nhiên, so với đối thủ hiện nay, chế độ ban đêm của iPhone làm cho ảnh bị thừa sáng do xử lý quá mức và nhiều ảnh chụp tối trông giống như chụp ở ban ngày.
Đối với khả năng chụp tự sướng trong điều kiện thiếu sáng, Apple cũng trang bị chế độ ban đêm cho iPhone, nhưng Christine cho rằng nó không hiệu quả. Theo đó, ảnh chụp tự động trong điều kiện ánh sáng yếu trông thật “kinh khủng”, bất kể người dùng có chỉnh sửa hay thêm hiệu ứng. Trên thực tế, Christine cho rằng nó trông giống như một bức tranh màu nước xấu và lộn xộn.
Với Smart HDR và quá trình xử lý hậu kỳ tự động sau chụp ảnh, hình ảnh trên iPhone 14 Pro đã không còn giữ được sự chân thực và tự nhiên, ít nhất khi so với các dòng iPhone cũ hơn.
Nên tắt Smart HDR
Vài năm trước, người dùng có thể không sử dụng Smart HDR. Đây là một cài đặt tùy chọn và người dùng có thể bật tắt tùy theo điều kiện thực tế. Song, cài đặt này chỉ khả dụng trên các mẫu iPhone XS, iPhone XR, dòng iPhone 11, iPhone SE 2 và dòng iPhone 12. Kể từ iPhone 13 trở lên, tùy chọn bật Smart HDR đã bị loại bỏ.
Theo tác giả Christine Romero, việc loại bỏ tùy chọn này là một bước đi thiển cận và cô hy vọng Apple sẽ đưa nó trở lại trong các bản cập nhật tới. Mặc dù iPhone 14 Pro vẫn là thiết bị tốt để chụp ảnh, nhưng Christine cho biết cô vẫn cần chỉnh sửa hình ảnh trước khi chia sẻ với người khác.
Ngoài ra, Christine nhận định Apple đang cố gắng tối ưu hóa Smart HDR, nhưng hình ảnh thu được thường trông quá giả tạo so với những gì người dùng thấy trong thực tế.
Ví dụ, khi chụp ảnh ngoài trời trong điều kiện nắng, màu xanh của bầu trời sẽ bị bão hòa và khiến ảnh trông giả tạo. Ngoài ra, vấn đề này còn xuất hiện đối với màu da người khi nó không còn giữ được độ chân thực. Điều này cũng được Marques Brownlee, một YouTuber chuyên review công nghệ, đề cập đến trong một video gần đây.
So sánh với smartphone Android
Để kiểm tra, tác giả Christine đã sử dụng một số smartphone Android cao cấp để chụp ảnh và đưa ra so sánh với iPhone 14 Pro. Ví dụ, Google Pixel 7 chụp những bức ảnh tuyệt vời bằng camera chính mà không cần chỉnh sửa thêm. Hiện tại, Google vẫn sử dụng nhiều công nghệ xử lý hình ảnh của riêng mình, nhưng nó không làm cho ảnh bị giả tạo như cách Apple làm với iPhone.
Theo quan điểm của tác giả Christine, vấn đề duy nhất của Google Pixel 7 là nó không hoàn toàn lấy được tông màu da một cách chính xác. Song, màu sắc của bức ảnh vẫn cân bằng, không bị nhạt và phần mềm không can thiệp sâu để khiến bức ảnh mất đi tính tự nhiên. Ngoài ra, công cụ xóa Magic Eraser cũng khá hữu ích khi người dùng muốn chỉnh sửa ảnh.
Đối với Samsung Galaxy S21, nó dường như hoạt động tốt khi chụp ảnh selfie thiếu sáng. Chiếc smartphone này xử lý hình ảnh ở chế độ ban đêm khá tốt, khiến chúng trông tự nhiên và chân thực thay vì bị lệch màu như iPhone 14 Pro.
Tất nhiên, tác giả Christine cho biết một số người có thể thích tính thẩm mỹ của Apple, nhưng cá nhân cô cho rằng nó bị thiếu tính chân thực. Apple cần giảm bớt sự can thiệp của Smart HDR hoặc ít nhất là bổ sung lại tùy chọn tắt bật tính năng.