Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp của CEO Tim Cook tại Apple là ông đã tạo ra mối quan hệ bền chặt giữa "Táo khuyết" và Trung Quốc, một sự tích cực theo cách bất thường so với các công ty công nghệ khác của Mỹ.
Từ năm 2015, thị trường này mang về 40 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Táo khuyết. Riêng năm tài chính 2022, con số trên là 75 tỷ USD.
Mặc dù vậy, quan hệ giữa 2 bên đã có dấu hiệu rạn nứt trong thời gian gần đây. Tim Cook đang giải quyết ổn thỏa mọi việc ở Bắc Kinh khi tham dự diễn đàn phát triển (CDF) ngày 25/3, đánh dấu lần đầu CEO Apple xuất hiện trước công chúng tại Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ Apple đang nỗ lực phát triển mối quan hệ với các quốc gia khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhiệm vụ bắt buộc
Các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Hiện Apple đang tập trung vào Ấn Độ như một địa điểm mới sản xuất iPhone và phụ kiện. Trong khi đó, dòng tai nghe không dây AirPods đã bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ tháng 3/2020, bên cạnh dòng Mac Pro mới cũng được lên kế hoạch sản xuất tại đây.
Theo Bloomberg, các quản lý trong bộ phận điều hành của Apple đã hướng dẫn nhân viên tập trung vào việc tìm nguồn cung ứng linh kiện bổ sung và định vị dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc để có thêm nhiều sản phẩm mới ra mắt vào năm 2024.
Với sự tham gia trực tiếp của CEO Tim Cook, Apple cũng đã tập hợp hàng trăm nhân viên một nhóm đặc biệt để giải quyết những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của mình.
Ngoài Trung Quốc, nguồn tin cũng cho biết "Táo khuyết" đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Đài Loan, nơi có công ty sản xuất chip khổng lồ TSMC - đối tác sản xuất nhiều chất bán dẫn quan trọng cho tất cả sản phẩm Apple.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi quy trình sản xuất chip được dự báo là còn khó khăn hơn so với việc di dời lắp ráp thiết bị do nhà sản xuất iPhone đang thiếu các giải pháp thay thế rõ ràng cho năng lực của đối tác Đài Loan.
Thậm chí, Bloomberg dẫn nguồn từ nguồn tin nội bộ dự đoán rằng nếu việc sản xuất chip bị đình trệ hoặc trì hoãn, Apple sẽ phải mất đến một năm để có thể tăng cường sản xuất linh kiện trở lại.
Những trở ngại này khiến nhà sản xuất iPhone đang cực kỳ cẩn trọng với kế hoạch dịch chuyển sản xuất của mình.
Ban lãnh đạo của Apple lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể trả đũa nếu hãng dịch chuyển quá nhiều khâu sản xuất sang các nước khác hoặc việc chuyển đổi diễn ra quá nhanh.
Điều này có thể khiến người dùng ở Trung Quốc quay lưng lại với các sản phẩm của Apple trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc dâng cao.
Bên cạnh đó, "Táo khuyết" cũng lo ngại về khả năng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao tại Việt Nam và đặc biệt là Malaysia, do tình trạng hiện tại của các ngành sản xuất tại hai quốc gia này.
Ngoài ra, bên trong chính Apple cũng đang xảy ra những vấn đề về sự cân bằng bởi các nhóm khác nhau có những ưu tiên và mục tiêu đối lập nhau.
Nhóm thu mua của hãng, bộ phận chịu trách nhiệm cung cấp các bộ phận tạo nên sản phẩm cho Apple, có thể lùng sục khắp thế giới để tìm các thành phần cần thiết.
Tuy nhiên, phần lớn công việc thiết lập dây chuyền sản xuất ở một vị trí địa lý mới lại thuộc về nhóm điều hành sản xuất. Nhóm này lại cần phân bổ nguồn nhân lực và tài chính đáng kể để thiết lập mới một dây chuyền sản xuất lắp ráp cuối cùng.
“Sẽ phải có sự đánh đổi giữa việc đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và kỹ thuật lắp ráp”, một nguồn tin nội bộ trong Apple tiết lộ.
Âm thầm dịch chuyển
Thực tế, các thử nghiệm dịch chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp đã diễn ra trong Apple hơn một thập kỷ qua.
Năm 2012, "Táo khuyết" hợp tác với Foxconn, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của hãng để sản xuất một số mẫu iPhone ở Brazil nhằm "né" thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Một năm sau, trước áp lực chính trị trong nước, Apple bắt đầu sản xuất máy tính Mac Pro tại nhà máy ở Texas. Tuy nhiên, cả hai dự án đều không diễn ra suôn sẻ. Cuối cùng, "Táo khuyết" đã phải cắt giảm sản xuất Mac Pro ở Mỹ.
Sự thay đổi bền vững hơn bắt đầu vào năm 2017 khi Apple bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone cấp thấp ở Ấn Độ.
Vào thời điểm đó, đây là chiến lược khá an toàn bởi nó không tác động nhiều đến mối quan hệ của Apple với Trung Quốc.
Thậm chí, một phân tích của Bloomberg cho thấy số lượng nhà cung cấp Trung Quốc liên tục gia tăng từ năm 2017-2020, trong khi ở một số quốc gia khác lại giảm đi đáng kể.
Kể từ đó, hoạt động dịch chuyển này dần phát triển và hiện là nền tảng chính cho phần lớn nỗ lực của Apple nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng của mình bên ngoài Trung Quốc.
Hiện tại, những kế hoạch tham vọng nhất của Apple đều dành cho Ấn Độ. Cụ thể, Apple sẽ hợp tác với nhiều đối tác tại Ấn Độ để sản xuất iPhone, AirPods và Apple Pencil, cũng như linh kiện cho Apple Watch, iPad và Mac.
3 đối tác lắp ráp chính từ Đài Loan của Apple là Foxconn, Pegatron và Wistron cũng đã bắt tay vào việc sản xuất thiết bị ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, "Táo khuyết" cũng đã thuê thêm một số công ty Ấn Độ, bao gồm tập đoàn Tata, để cung cấp linh kiện cho Apple.
Theo số liệu của Bloomberg, trong năm 2022, Apple đã sản xuất hơn 6,5 triệu trong số 200 triệu chiếc iPhone tại Ấn Độ. Với việc tăng cường năng lực sản xuất, hãng đặt mục tiêu có thể sản xuất 10 triệu chiếc tại Ấn Độ vào năm 2023.
Những người tham gia vào quá trình này thậm chí còn tin rằng con số này có thể vượt quá 15 triệu chiếc vào năm tới.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia nhận định với Bloomberg, Apple có thể chuyển tới 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ vào năm 2025 nếu việc tuân thủ các mốc thời gian diễn ra tích cực.
Đã có nhiều thảo luận sớm về việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất iPad và Apple Watch sang Ấn Độ, nhưng nguồn tin của Apple khẳng định những động thái như vậy khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới.
Nguồn tin nội bộ cũng cho biết thêm một giám đốc phụ trách của những mẫu iPhone hàng đầu đã chuyển sang hoạt động tại Ấn Độ sau 15 năm ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Rob York - giám đốc sản xuất cấp cao chịu trách nhiệm sản xuất vỏ ngoài cho iPhone, Apple Watch và các thiết bị khác, cùng Priya Balasubramaniam, người chịu trách nhiệm sản xuất iPhone đã đến thăm Ấn Độ với tần suất ngày càng tăng.
Trong vài năm qua, Apple đã sản xuất những lô hàng đầu tiên của các mẫu iPhone mới nhất tại Trung Quốc, rồi sau đó mới dần dần tăng cường sản xuất tại Ấn Độ. Tuy nhiên, iPhone 15 dự kiến sẽ là lần đầu tiên mà cả hai quốc gia này cùng chịu trách nhiệm cho những lô hàng đầu tiên.
Việc tạo ra mạng lưới nhà cung cấp khổng lồ ở Trung Quốc đã từng là chìa khóa chứng minh năng lực của Tim Cook tại Apple. Giờ sẽ là lúc ông phải làm lại điều đó, lần này là với Ấn Độ.