“Nở rộ” các tin nhắn mạo danh
Mới đây, qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã đưa ra cảnh báo ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn giả mạo nền tảng thương mại điện tử của Amazon nhắn tin tuyển dụng nhằm mục đích lừa đảo. Tin nhắn có nội dung "Amazon cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà. Số lượng 100 người. Mô tả công việc: Xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Yêu cầu độ tuổi lao động: 23 ~ 60 tuổi. Lương hàng tháng từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Ít nhất 500k ~ 3000k mỗi ngày, thao tác đơn giản và hướng dẫn đi kèm, bạn có thể nhận tiền sau 15 ~ 20 phút. Các bạn có nhu cầu tham gia xin việc liên hệ zalo...”.
Chia sẻ với báo giới, đại diện nền tảng thương mại điện tử của Amazon khẳng định, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng, hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên.
Đây không chỉ là thương hiệu đầu tiên bị các đối tượng lợi dụng danh tiếng để gửi tin nhắn lừa đảo người dân. Trước đó, các đối tượng cũng sử dụng chiêu thức tương tự, mạo danh sàn thương mại điện tử Tiki tuyển dụng với nội dung “TIKI shop cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 50 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi : 23+ tuổi. Thu nhập 280k - 1200k. Nhận tiền trong ngày”. Hoặc "Ebay Shop hợp tác với HVS Company cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 80 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi : 22 ~ 55 tuổi. Thu nhập 260k - 1180k/ngày. Nhận tiền trong ngày".
Trong hơn hai tuần qua, chị Nguyễn Hoài Thu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết mình liên tục nhận được các tin nhắn có nội dung như trên. Do có nhu cầu tìm việc, chị có liên hệ qua số điện thoại được cung cấp trong tin nhắn và gặp Tiến - người tự xưng là nhân viên phòng tuyển dụng. Người này cho biết, để được ký hợp đồng và nhận chính thức vào công ty, chị phải hoàn thành ba nhiệm vụ chuyển tiền trong 1 ngày với tổng giá trị gần 15 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu bất thường, chị lên mạng tra số điện thoại hotline của công ty để hỏi về nhân viên tên Tiến và kế hoạch tuyển dụng với 3 nhiệm vụ nêu trên thì được biết, công ty không có nội dung công việc này, cũng không có nhân viên có tên và số điện thoại như vậy.
Một chuyên gia nhìn nhận, có thể thấy nội dung, hình thức của các tin nhắn tuyển dụng giả mạo tương đối giống nhau. Sau nhiều đợt giãn cách xã hội, qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhu cầu xin việc của người dân ngày một tăng với mục đích cải thiện thu nhập, lợi dụng tâm lý đó của người dân, các đối tượng đều đưa thông tin tuyển dụng nhắm vào những công việc làm trực tuyến với mức lương hấp dẫn, có khi lên tới hơn 90 triệu đồng/tháng.
Chủ động phòng tránh
Trước tình hình trên, VNCERT/CC khuyến cáo người dân nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng,… mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của các tập đoàn, doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến cáo cũng nhấn mạnh: người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về các hình thức lừa đảo, mạo danh. Khi nhận được các thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp; Không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, không truy cập đường link, tải ứng dụng lạ khi chưa kiểm tra tính xác thực của thông tin...
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an cũng nhiều lần có khuyến cáo và cung cấp thông tin các hình thức lừa đảo cho các cơ quan báo đài, vì vậy, người dân cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tin nhắn. Trong trường hợp khẩn cấp, người dân cần thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Ngoài ra, một thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khuyến cáo, hành vi mạo danh các thương hiệu nổi tiếng nhắn tin, gọi điện tới người dân nói trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 174, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt các đối tượng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Do đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân. Người dân cũng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sớm ngăn chặn, đẩy lùi và không tiếp tay cho các hình thức lừa đảo trên không gian số.