Mới đây, anh Th, một nhà đầu tư sống tại khu Đông Tp.HCM bán “cắt lỗ” gần 30% căn nhà phố tại khu đô thị Đông Tăng Long (Q.9, cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM). Căn nhà có giá 11 tỉ đồng, sau nhiều lần rao bán bất thành, anh hạ giá còn 8 tỉ đồng để ra hàng. Được biết, do áp lực lãi vay nên anh Th muốn ra được sản phẩm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đến hiện tại anh vẫn chưa bán được.
Tương tự, căn biệt thự song lập cũng tại khu đô thị này đang giảm giá gần 10 tỉ đồng so với giá giữa năm 2021. Có diện tích gần 300m2, căn biệt thự view hồ có giá 50 tỉ đồng/căn hiện đang rao bán giá 41 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa có giao dịch.
Thời điểm đầu năm 2022, khi thị trường nhà đất khu Đông có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại, rất ít sản phẩm biệt thự vị trí đẹp tại đây được bán ra. Mỗi căn có giá từ 45-50 tỉ đồng view đường lớn, hồ. Căn thấp nhất là 11-25 tỉ đồng. Hiện tại, sau khoảng thời gian thị trường gặp khó khăn, nhà phố, biệt thự nơi đây đã xuất hiện các sản phẩm cắt lỗ. Mất giá hàng chục tỉ đồng mỗi căn, nhà đầu tư mang kì vọng sẽ ra hàng nhanh, thu dòng tiền. Tuy nhiên, dù giảm giá sâu, môi giới cũng khá khó khăn để tìm khách giai đoạn này.
Tình trạng cắt lỗ cũng diễn ra tại thị trường khu Tây Tp.HCM. Mới đây, tại KDC Zenta Home tại P.Lộc Thạnh Lộc, Quận 12, một số nhà đầu tư đã rao bán cắt lỗ nhà phố, biệt thự từ 15-25% (tuỳ căn). Do đuối phần tài chính đóng tiếp vào dự án, một nhà đầu tư đã rao bán lỗ 800 triệu đồng căn nhà 50,6m (diện tích sàn 205,95m2). Giá nhà đầu tư này mua vào là 5,6 tỉ đồng/căn, hiện rao bán 4,8 tỉ đồng/căn. Tuy vậy, suốt 3 tháng rao bán, căn nhà vẫn chưa ai hỏi mua.
Trong khi, một căn nhà diện tích 60m2 tại dự án hiện đang rao cắt lỗ 1.2 tỉ đồng cũng do chủ nhà không đủ khả năng đóng tiếp vào dự án cho đến khi nhận nhà. Dù cắt lỗ và đưa ra các thông tin như sắp nhận sổ, nhận nhà có thể cho thuê ngay 20 triệu đồng/tháng; người mua không mất phí sang tên… nhưng căn nhà này vẫn chưa chuyển nhượng được.
Tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, không ít nhà đầu tư cũng đang lỗ hàng tỉ đồng khi đầu tư vào đất nền, nhà phố - biệt thự. Tại dự án Khu đô thị Long Thọ - Phước An (HUD) gần đây bất động sản liên tục rớt giá khiến nhà đầu tư lỗ hàng tỉ đồng/sản phẩm. Vào năm 2017, anh T (ngụ Tp.HCM) mua hai lô đất tại dự án này có tổng diện tích 570 m2, với giá 13 triệu đồng/m2, anh phải chi hơn 7,4 tỷ đồng. Sau hơn một tháng, có người trả anh 7,5 tỷ đồng để mua lại, tuy nhiên anh không bán vì khoản lãi chưa đúng kỳ vọng.
Hiện không còn đủ khả năng trả lãi và cũng đến lúc phải đáo hạn khoản vay, anh T quyết định bán 2 mảnh đất này nhưng chỉ bán được ở mức 7,9 triệu đồng/m2, tương đương 4.5 tỉ đồng. Anh lỗ 3 tỉ đồng so với giá mua vào.
Theo môi giới Nhơn Trạch, Đồng Nai, giá đất nền tại dự án này hiện đã giảm 30-40% so với cùng kỳ. Đất nhà vườn có thổ cư đang rao bán với giá 7 triệu đồng/m2, diện tích dao động 285-300 m2. Đất nền để xây nhà phố có diện tích 90-140 m2, giá thấp nhất 9 -10 triệu đồng/m2. Một số lô đất tại mặt tiền đường thậm chí giảm đến 40% so với thời cao điểm.
Hiện thị trường khu vực này khá im ắng giao dịch. Nhiều văn phòng đất đai sau nhiều năm mọc lên như nấm hiện đã đóng cửa. Các bất động sản liền thổ đã giảm giá mạnh sau khoảng thời gian tăng nóng.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam chỉ ra, giao dịch nhà phố, biệt thự dự án ở Tp.HCM về mức thấp nhất thập kỷ. Cả nguồn cung lẫn cầu đều ghi nhận ở mức thấp và liên tục sụt giảm.
Cụ thể, tại Tp.HCM trong quý 1/2023 chỉ ghi nhận 46 giao dịch thành công, giảm 59% so với quý trước và giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lượng giao dịch thấp nhất tại TP.HCM trong 10 năm qua.
Xét về tỷ lệ hấp thụ, chỉ khoảng 7% sản phẩm mới chào bán trong quý được giao dịch. Trong đó, nhà phố với 17 giao dịch thành công - là phân khúc có mức giảm lớn nhất, lên tới 72% so với quý trước. Theo sau là nhà phố thương mại (16 giao dịch) và biệt thự (13 giao dịch).
Điều đáng nói, tỷ lệ hấp thụ kém diễn ra trong bối cảnh nguồn cung mới cũng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Trong quý 1/2023, toàn thị trường Tp.HCM chỉ chào đón sự ra mắt của 47 căn nhà phố, biệt thự, giảm 81% theo quý và giảm 85% theo năm.
Theo nhận định của đại diện Colliers Việt Nam, các vấn đề liên quan đến tín dụng, trái phiếu và những bê bối của một số chủ đầu tư lớn đã gây ảnh hưởng đến toàn ngành bất động sản Tp.HCM. Điều này dẫn đến mức thanh khoản giảm, người mua dè chừng hơn và thị trường gần như đóng băng.