Chiều 26/10, anh Tú (23 tuổi, quận Bình Thạnh) rẽ vào cây xăng ở số 44 Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) và phải ra về khi thấy tấm biển "hết xăng". Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên anh gặp tình trạng này.
"Đây là cây xăng tôi thường hay đổ. Hai hôm trước, tôi thấy treo biển hết xăng nên đành đi chỗ khác. Ai dè hôm nay quay lại vẫn gặp tình trạng này", vị khách cho biết.
Theo ghi nhận của Zing, cửa hàng này đã treo biển "hết xăng" trong các ngày 18-21/10. Như vậy, tình trạng thiếu xăng đã kéo dài hơn một tuần, nhân viên tại đây vẫn chưa rõ khi nào có xăng trở lại.
TP.HCM chưa thoát cảnh "hết xăng còn dầu"
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cây xăng tại địa chỉ số 1250 Huỳnh Tấn Phát (quận 7), nhân viên cho biết đã hết xăng được một tuần. Một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), cũng chưa rõ thời điểm hàng về, sau 3-4 ngày phải dừng bán xăng.
Còn ở TP Thủ Đức, sau vài ngày bán hàng bình thường trở lại, đến chiều 25/10 cửa hàng An Bình trên đường Trần Não lại tiếp tục đặt thông báo "hết xăng còn dầu" bên ngoài lối vào. Ngày 26/10, địa điểm này vẫn chưa bán xăng, nhiều người dân không nhìn rõ thông báo vẫn chạy vào, sau đó phải quay xe.
Điều này khiến hai cây xăng còn lại trên đường Trần Não đông khách hơn thường lệ. Riêng tại cửa hàng của Petrolimex sáng cùng ngày, ôtô xếp hai hàng dài từ ngoài đường, ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông, trong khi xe hai bánh phía trong cũng mất khoảng 5 phút chờ đến lượt.
Thậm chí, một cây xăng trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) đến nay vẫn còn rào chắn với bảng thông báo tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, dù thời gian tạm ngưng được Sở Công Thương TP.HCM chấp thuận là từ ngày 5/10 đến hết ngày 20/10.
Ở một số cây xăng khác, dù nhân viên vẫn bán đầy đủ các mặt hàng xăng dầu nhưng giới hạn 30.000-50.000 đồng/xe máy.
"Có tiền mà cũng không mua được đầy bình để yên tâm mà chạy nữa", anh Tùng (32 tuổi, tài xế xe công nghệ) nói với Zing sau khi bị nhân viên một cây xăng trên Quốc lộ 13 từ chối đổ đầy bình. Cửa hàng này suốt một tuần qua chỉ bán tối đa 30.000 đồng cho mỗi xe hai bánh.
Bức xúc, anh Tùng quyết định không đổ nhỏ giọt mà đi thêm một đoạn đến cây xăng khác gần đó để được đổ đầy bình.
Cùng ngày, nhiều cây xăng trên Quốc lộ 22 đoạn qua quận 12, huyện Củ Chi cũng xuất hiện tình trạng hết xăng hoặc bán theo định mức 50.000 đồng.
Hàng chục cây xăng gián đoạn nguồn hàng liên tục
Theo số liệu của Sở Công Thương TP.HCM, tính đến cuối ngày 24/10, trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thì chỉ có 4 địa điểm tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, số cửa hàng có nguồn cung bị gián đoạn liên tục, không đủ các mặt hàng vẫn lên đến con số 51.
Trước đó, các lãnh đạo cơ quan này đã nhiều lần khẳng định việc thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ và đang cố gắng phối hợp cùng các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Trong bối cảnh này, Sở Công Thương cũng cho biết mặc dù đã có quy định cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được ngừng bán khi Sở chấp thuận bằng văn bản, với giờ bán hàng cụ thể do doanh nghiệp tự quyết, thực tế vẫn có tình trạng doanh nghiệp đăng ký thay đổi, giảm thời gian bán hàng.
Do đó, tại dự thảo tờ trình mới đây, cơ quan này đề xuất quy định các cửa hàng phải bán tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật), đồng thời không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày.
Đối với những ngày lễ, tết thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày. Khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.
Về các trường hợp dừng bán hàng, dự thảo quy định các trường hợp được dừng bán hàng gồm: Thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa tối đa dưới 30 ngày; thương nhân kinh doanh có việc cưới, tang, tai nạn, bị ốm được dừng bán hàng tối đa không quá 7 ngày; các trường hợp bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt...; khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước...
Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng có đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu nếu thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu từ 1 tháng trở lên.