Đây là thông tin được ông Đàm Minh Đức, Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, từ năm 2015, CBBank đã hoạt động dưới mô hình ngân hàng 100% vốn Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Trong đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã có nhiều thay đổi, từ mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu…
Năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CBBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu. Trong đó, tổng số dư huy động của ngân hàng đạt hơn 20.000 tỷ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đạt trên 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đa dạng hóa được nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ…
Năm nay sẽ năm thứ 9 nhà băng này bước vào quá trình tái cơ cấu, theo đó, lãnh đạo CBBank cho biết ngân hàng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.
"Dự kiến khoảng 6 tháng nữa, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CBBank. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt chủ trương này. Ngân hàng cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank", ông Đàm Minh Đức thông tin.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam - Vietcombank - sẽ mở ra hành trình mới với CBBank. Đây là kết quả của tiến trình hơn 8 năm tái cơ cấu ngân hàng vượt qua gian khó, phát triển ổn định và lành mạnh.
Liên quan tới giao dịch chuyển giao bắt buộc này, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cũng cho biết ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém và đang tích cực chuẩn bị cho quá trình này.
Trong kế hoạch trình cổ đông, lãnh đạo Vietcombank đưa ra một loạt ưu đãi ngân hàng có thể nhận được khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.
Trong đó, nhà băng này sẽ được ưu tiên cho vay vượt 15-25% vốn tự có; cho vay trung, dài hạn bằng ngoại tệ với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong thời gian ngân hàng yếu kém chưa hết lỗ lũy kế…
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ cho phép Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; được dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của ngân hàng mục tiêu)…
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, cơ quan quản lý cần có những ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh những lợi ích chung như không hợp nhất báo cáo tài chính; không cộng khoản góp vốn, khoản vay với ngân hàng mục tiêu khi tính hệ số an toàn vốn (CAR); không trích lập dự phòng… SSI cho rằng việc được bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm là một trong những ưu đãi quan trọng các ngân hàng tham gia tái cơ cấu nhận được.