Xuất hiện tại Thương Vụ Bạc Tỷ (Shark Tank) mùa 4 để gọi vốn, ông Nguyễn Trung Dũng – CEO Công ty Dh Foods đã thu hút cả 2 Shark đầu tư. Thế nhưng ông vẫn quyết định trở về tay trắng khi từ chối lời đề nghị 12 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần. Ông Trung Dũng còn gây thú vị khi khởi nghiệp ở tuổi 50.
CEO Dh Foods từng có hơn 30 năm sống ở Ba Lan, nếm trải thành công và thất bại ở xứ người. Quá trình khởi nghiệp của ông kéo dài hơn 3 thập kỷ ở Ba Lan. Trong đó, lần 1 là sau khi tốt nghiệp đại học. Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông đã có những chia sẻ cụ thể về lần khởi nghiệp này.
Lần khởi nghiệp đầu với nhiều bài học đắng cay
Ông Trung Dũng cho biết, đó là lần đầu tiên khởi nghiệp và cũng thất bại… lần đầu.
Năm 1990, 5 chàng trai vừa tốt nghiệp Đại học tại Ba Lan rủ nhau khởi nghiệp. Ông Trung Dũng tạm gọi là A, B, C, D, E, trong đó D là bản thân ông. Ông cùng nhóm bạn đã nộp bằng được 2 năm, có bạn bảo vệ năm 1988, có bạn bảo vệ năm 1989. Đây là nhóm bạn thân thời đại học, nghỉ hè cùng nhau, nghỉ lễ cùng nhau, đá bóng cùng nhau và làm nhiều thứ khác cùng nhau.
Bạn A đã cưới vợ và có giấy tờ cư trú tại Ba Lan nên có thể mở công ty, trong khi 4 người còn lại chưa có giấy tờ. Nhóm bạn bàn nhau mở quán ăn, quầy kinh doanh tả pí lù ở một số trung tâm thương mại tại Gdansk. Vì chỉ A có giấy tờ nên bạn A đứng ra mở công ty, 4 người còn lại trên giấy tờ là nhân viên công ty, còn theo thỏa thuận là cổ đông, tầm 20% mỗi người (có khác chút về tỷ lệ nhưng không đáng kể).
Vì là nhóm bạn thân nên tất cả đều nghĩ khởi nghiệp cũng như cuộc vui tiếp tục thời đại học, không phân chia rõ ràng, không ràng buộc bằng văn bản. Tất cả mọi người cứ thế cùng nhau “cày” từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, có hôm đến 1 giờ khuya mới xong việc. Mỗi ngày, ông cùng các bạn của mình chỉ ngủ khoảng 3 - 4 tiếng nhưng thấy không có vấn đề gì, miễn thu tiền về là vui.
Người bạn A đứng tên mở công ty làm thủ quỹ giữ tiền và lo mọi sổ sách. Ông Trung Dũng thân với A nhất nên sau giờ làm việc cùng về nhà bạn ăn tối. Nhiều lần bạn A chia sẻ: “Mình đếm tiền thấy vui quá, không biết chán”. Ông Dũng hóm hỉnh cho biết bản thân lại không thích đếm tiền, chỉ vui vì công ty phát triển, mọi người có thu nhập, cuộc sống dần ổn định.
Từ 1 quán ăn, công ty phát triển thêm vài quầy hàng bán quần áo (đồ India và Thổ là chủ yếu), đồ thủ công mỹ nghệ, đồ văn phòng phẩm,… Tóm lại là có gì bán nấy. Đó là thời mở cửa nên mọi người có nhu cầu mua sắm nhưng nguồn cung hàng hóa thiếu.
CEO Dh Foods bùi ngùi nhớ lại: “Nhiều khi chúng tôi mua đồ của cửa hàng thuộc hệ thống nhà nước cũ (họ có nguồn cung ổn định) mang về quầy công ty mình, bán giá gấp 2, gấp 3 mà vẫn chạy như tôm tươi. Trong khi cửa hàng của họ lèo tèo khách. Đơn giản là dịch vụ bên chúng tôi tốt hơn, nhân viên bán hàng toàn người trẻ trung và niềm nở. Hơn nữa, quầy hàng trang trí đẹp đẽ, bắt mắt.
Công ty cứ thế phát triển, doanh số tăng, tiền về nhiều, tôi và bạn A hay bàn nhau về định hướng kinh doanh vào buổi tối. Chúng tôi cho rằng nên nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam để tăng lợi nhuận. Tôi được giao phó về nước tìm nguồn hàng, đơn giản vì ở Việt Nam, tôi có nhiều người quen, bạn bè. Bạn A lo mảng ở Việt Nam, 3 bạn còn lại chỉ thực hiện. Tính tôi đã làm thì làm đến cùng và hết lòng vì công ty. Ở Việt Nam, tôi về tận làng nghề ở Thái Bình đặt các thúng sơn mài, đồ khảm bạc. Trong miền Nam, tôi về Đồng Nai đặt tranh sơn mài, nón lá buông,…”.
Thời gian sau, doanh số tăng, tiền nhiều, bạn A bàn với ông Trung Dũng: “Trong công ty, 2 đứa mình có công lớn nhất (A và D), bạn B, C, E lại lười, hay cãi, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng cổ phần cũng như nhau”. Bạn A đề xuất đưa bạn B ra khỏi công ty, ông Dũng đã không phản đối. Vì bạn B trên giấy tờ chỉ là nhân viên nên mọi chuyện giải quyết nhanh, bồi thường cho B một số tiền.
Thời điểm đó, công ty có bao nhiêu tiền, lợi nhuận bao nhiêu chỉ bạn A giữ sổ sách nắm rõ. Cổ phần của B rời đi được chia cho bạn A và ông Dũng. Sau đó đến bạn C, cũng lý do gần giống như trên. Lần này cổ phần cũng chia cho 2 người (A và ông Dũng) là chủ yếu. Về sau giữa ông Dũng và A nổ ra xung đột lớn và ông đã quyết định rời đi (đây là quyết định của ông Dũng).
Bạn A hạch toán, nói rằng ông Dũng còn nợ công ty, chia cho ông một số hàng hóa; còn tài sản, thương hiệu, hệ thống phân phối thì bạn A giữ.
Bạn cuối cùng là E cũng không phải đối trọng, vài năm sau A đề xuất E rời công ty và bồi thường 500.000 USD cho E. Bạn E thấy số tiền lớn nên đồng ý. Thực ra công ty hồi đó đã trị giá nhiều triệu USD.
Bài học sâu sắc chiêm nghiệm được từ lần thất bại đầu
CEO Dh Foods trải lòng, ở lần đầu khởi nghiệp, ông vừa thất bại đau đớn, vừa mất bạn. Ngoài ra, ông còn nợ đối tác Việt Nam một khoản tiền lớn. Hồi đó, ông Dũng vay tiền đối tác để đầu tư cho công ty bên Ba Lan.
Khi chia tay, bạn A nói với ông Dũng: “Bạn vay chứ không phải công ty vay”. Nguyên nhân chính của việc thất bại đã quá rõ ràng, đó là tất cả mọi thỏa thuận ban đầu chỉ bằng miệng, không có giấy tờ cam kết minh bạch. Thêm nữa, chuyện tài chính kế toán cũng không rõ ràng.
Vị CEO tâm sự: “Khi đó, chúng tôi tụ hội nhau lại khởi nghiệp không phải vì chuyên môn có thể tận dụng cho kinh doanh mà vì là bạn nhậu, bạn đá banh.
Từ câu chuyện của tôi, tôi khuyên các bạn khi khởi nghiệp nên rút kinh nghiệm. Ngay từ đầu, giấy tờ nên rõ ràng, hãy thuê luật sư công chứng đàng hoàng. Càng rõ ràng, minh bạch ban đầu thì sau này có ‘chia tay’ cũng đơn giản hơn rất nhiều. Và quan trọng, khởi nghiệp cần chọn kỹ người đồng hành, chứ đừng chỉ vì chơi thân với nhau mà làm cùng nhau”.