Masan là một trong những Tập đoàn hoạt động tích cực trong lĩnh vực M&A trong giai đoạn 2021-2022 vừa qua, khi đóng góp 3 trong 10 thương vụ tiêu biểu do Diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn.
Giai đoạn 2021-2022, Masan đã bán lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Group (Hà Lan), với giá trị 600-700 triệu USD; bán 16,26% Vincommerce cho SK Group (Hàn Quốc) với giá 410 triệu USD. Bên cạnh đó, Masan - thông qua The Sherpa, đã tạo ra một thương vụ bom tấn khi chi 280 triệu USD thâu tóm 85% cổ phần Phúc Long.
Trong buổi họp báo công bố Diễn đàn M&A Việt Nam 2022, ông Danny Lê - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan đã chia sẻ chiến lược thâu tóm của Tập đoàn này.
Theo ông Danny Lê, Masan đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, muốn phục vụ trực tiếp người tiêu dùng thì cần tiếp cận đến lĩnh vực bán lẻ thương mại. Tuy nhiên, để xây từ đầu có thể mất 5-7 năm mà chưa chắc đã thành công. Do đó, chiến lược tốt nhất là M&A, đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi nước ngoài. Đó cũng là lý do tạo nên thương vụ bom tấn với VinCommerce (Công ty quản lý chuỗi siêu thị VinMart) vào năm 2019.
"Trong Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Nói về trà - cà phê, Phúc Long là một thương hiệu mạnh để có thể đưa ra thế giới".
Trên thực tế, sau khi gia nhập hệ sinh thái của Masan, chuỗi trà - cà phê Phúc Long đã nhân rộng quy mô cửa hàng lên đáng kể, đồng thời được tích hợp vào các siêu thị WinMart+, hay mới đây là WIN. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2022 chưa soát xét, Tập đoàn Masan cho biết các cửa hàng flagship của Phúc Long đang đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long Heritage (công ty con sở hữu thương hiệu trà). Trong khi đó, chuỗi kiosk tích hợp vẫn trong quá trình tìm lợi nhuận.
Sau 9 tháng đầu năm, Phúc Long ghi nhận doanh thu 1.143 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 199 tỷ đồng.
Ông Danny Lê cũng thẳng thắn chia sẻ, Masan là một Tập đoàn "hơi truyền thống". Những gì Masan có thể làm thì sẽ tự làm. Ngược lại, để tiếp cận công nghệ hay chuyển đổi số sẽ cần quá trình rất dài. Thay vào đó, Tập đoàn này dùng M&A như một cách để tìm kiếm "DNA của công nghệ" và kết nối với "DNA của Masan".
Tháng 4/2022, Masan cũng đã chi 65 triệu USD để mua lại 25% cổ phần Trusting Social - công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu về chấm điểm tín dụng. Theo thỏa thuận hợp tác, Trusting Social góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2). Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.