Sundar Pichai đã kêu gọi xây dựng một khung pháp lý toàn cầu cho AI, tương tự như các hiệp ước về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông cũng cảnh báo cuộc cạnh tranh nhằm tạo ra những tiến bộ trong công nghệ có thể khiến vấn đề an toàn bị gạt sang một bên.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 phút của CBS, Pichai cho biết mặt tiêu cực của AI khiến ông trằn trọc mỗi đêm. “AI có thể rất có hại nếu được triển khai sai cách. Bên cạnh đó, công nghệ đang phát triển rất nhanh, điều đó làm tôi trăn trở suốt thời gian qua”.
Công ty mẹ của Google, Alphabet - chủ sở hữu công ty AI DeepMind có trụ sở tại Vương quốc Anh đã tung ra một chatbot hỗ trợ AI có tên Bard - đối thủ của ChatGPT, một chatbot do công ty công nghệ OpenAI của Mỹ phát triển.
Pichai cho biết các chính phủ cần tìm ra khuôn khổ toàn cầu để điều chỉnh AI. Tháng trước, hàng ngàn chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nhà nghiên cứu – bao gồm cả ông chủ Twitter Elon Musk – đã ký một lá thư kêu gọi tạm dừng việc tạo ra các AI “khổng lồ” trong ít nhất 6 tháng. Họ lo ngại rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, mất kiểm soát.
Khi được hỏi liệu AI có cần khung pháp lý như các khuôn khổ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân không, Pichai nói: “Chúng ta sẽ cần điều đó”.
Công nghệ AI đằng sau ChatGPT và Bard được gọi là Mô hình ngôn ngữ lớn, được đào tạo trên một kho dữ liệu khổng lồ được lấy từ internet và có thể tạo ra phản hồi nhanh chóng cho những câu hỏi của người dùng ở nhiều định dạng, từ thơ ca đến tiểu luận học thuật và mã hóa phần mềm. Tương tự, các công cụ tạo hình ảnh trong các hệ thống như Dall-E và Midjourney cũng đã gây ra sự kinh ngạc khi tạo ra những hình ảnh hết sức chân thực, chẳng hạn như hình ảnh giáo hoàng mặc áo khoác phao.
Người đứng đầu Google chia sẻ thêm rằng chatbot Bard, phiên bản công nghệ AI có sẵn cho công chúng của Google hoàn toàn an toàn với người dùng. Google cũng đã giữ lại các phiên bản nâng cao hơn của Bard để thử nghiệm.
Pichai thừa nhận Google không hiểu đầy đủ về cách thức hoạt động công nghệ AI của họ. Ông nói “Có “ảo giác” và có những "hộp đen" bên trong ứng dụng này mà chính những nhà phát triển cũng không thể hiểu hết được.”
Khi được nhà báo Scott Pelley của CBS hỏi tại sao Google lại công khai Bard khi ông ấy không hoàn toàn hiểu cách thức hoạt động của chatbot này, Pichai trả lời: “Hãy để tôi giải thích theo cách này. Tôi cũng không nghĩ rằng chính con người có thể hoàn toàn hiểu được cách hoạt động của trí óc con người”.
Pichai thừa nhận rằng xã hội dường như chưa sẵn sàng cho những tiến bộ nhanh chóng của AI. Ông ấy chia sẻ “dường như có sự không phù hợp” giữa tốc độ mà xã hội suy nghĩ và thích nghi với sự thay đổi so với tốc độ mà AI đang phát triển. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ít nhất mọi người đã trở nên cảnh giác với những mối nguy hiểm tiềm ẩn của AI nhanh hơn.
“Tôi cảm thấy lạc quan vì mọi người lo lắng về những tác động tiêu cực của AI đến đời sống từ rất sớm, điều này khác so với bất kỳ công nghệ nào trước đây” ông chia sẻ.
Pichai cho biết AI sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế vì AI tác động đến mọi mặt của đời sống. Ông chia sẻ thêm: “Điều này sẽ tác động đến mọi sản phẩm của mọi công ty và đó là lý do tại sao tôi nghĩ đó là một công nghệ rất sâu rộng”
Một ví dụ về y tế được Pichai đưa ra là trong 5 đến 10 năm nữa, một bác sĩ X quang có thể làm việc với một trợ lý AI để hỗ trợ các trường hợp của bệnh nhân. Ông nói thêm rằng “những người lao động tri thức” như nhà văn, kế toán, kiến trúc sư và kỹ sư phần mềm cũng sẽ bị ảnh hưởng.