Google Assistant cung cấp trợ lý giọng nói mạnh mẽ cho loa thông minh, điện thoại Android, màn hình thông minh và các thiết bị khác trên khắp thế giới. Theo nhận định của Howtogeek, điều đó giúp công cụ này trở nên đặc biệt, vẫn trụ vững trong giai đoạn mới, nơi các chatbot AI như Bard và Bing AI là tâm điểm của sự chú ý.
Mối đe dọa từ "gà nhà" Bard
Google đang thử nghiệm Bard, một chatbot AI có thể chấp nhận các câu hỏi ở định dạng ngôn ngữ tự nhiên và cung cấp văn bản phản hồi. Nó được xem là đối thủ cạnh tranh với ChatGPT và Bing Chat của Microsoft. Bard sẽ sớm có mặt trong Google Docs, Gmail cùng các dịch vụ khác của Google.
Bard có một số chức năng chồng chéo với Google Assistant hiện tại. Về cơ bản, cả 2 công nghệ đều được phát triển để phản hồi và thực hiện các hành động dựa trên câu hỏi tự nhiên.
Vào tháng 3, CNBC cho biết Google chuyển một số nhân viên phát triển Google Assistant sang làm việc cho dự án Bard, bao gồm Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật, Amar Subramanya.
Từ tháng 10/2022, The Information tiết lộ Google giảm đầu tư vào Assistant trên tai nghe, kính thông minh, đồng hồ thông minh và một số sản phẩm khác. Đây có thể là một biện pháp cắt giảm chi phí. Google cũng tuyên bố sớm ngừng hỗ trợ Assistant cho màn hình thông minh của bên thứ 3.
Kết hợp các thông tin, có vẻ Google chuyển dần nguồn lực đầu tư từ Assistant sang Bard hoặc một sản phẩm nào đó dựa trên nền tảng AI này.
Vị thế của Google Assistant
Google Assistant được phát hành chính thức vào tháng 5/2016 dưới dạng chatbot trong ứng dụng nhắn tin Allo, sau đó xuất hiện trên loa thông minh, thiết bị Android, Chromebook, đồng hồ Wear OS, Android Auto và các nền tảng khác của Google.
Assistant được phát triển từ ứng dụng trợ lý giọng nói và tìm kiếm Google Now trước đây. Bản thân công cụ này là phiên bản nâng cấp so với tính năng tìm kiếm trên web thông thường.
Có thể nói Google Assistant là "tính năng hoàn chỉnh" và đã ở trạng thái đó trong vài năm. Trợ lý ảo này cung cấp cho người dùng kết quả tìm kiếm, giúp họ kiểm soát thiết bị, kết nối với các dịch vụ phát trực tuyến, thậm chí cung cấp thông tin ưu tiên như báo cáo thời tiết và giao hàng trước khi người dùng yêu cầu.
Assistant cũng gắn bó chặt chẽ với hệ sinh thái nhà thông minh của Google. Hầu hết thiết bị smarthome có trên thị trường đều bao gồm tính năng kết nối với Google Home hoặc Google Assistant theo một cách nào đó.
Theo công bố của Google vào tháng 10/2022, Assistant có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, ở hơn 95 quốc gia và 29 ngôn ngữ. Con số này gần gấp đôi dân số Mỹ. Google Assistant đang nắm vị trí thống trị trên thị trường của mình, tương tự vị thế của Android.
Do đó, Assistant sẽ còn phát triển trong thời gian tới, bất chấp xu hướng mới do các chatbot AI tạo ra. Howtogeek nhận định việc Google chuyển nhân viên từ Google Assistant sang Bard là động thái hợp lý. Bản thân Assistant là một sản phẩm thành công và Google muốn tái lập điều này bằng một dự án mới.
Bard không phải là sự thay thế
Google Assistant, Bard và các giải pháp AI tạo sinh khác đều hướng đến việc trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ nói hoặc văn bản thông thường. Thậm chí Bard và Bing Chat còn có giao diện kiểu nhắn tin trò chuyện tương tự Google Assistant trên điện thoại và tablet. Điều này dễ dẫn đến suy nghĩ Bard sẽ thay chân Assistant. Tuy nhiên, đó là một chặng đường dài.
Vấn đề đầu tiên là sức mạnh tính toán. Google Assistant chủ yếu được cung cấp nội dung bởi các máy chủ đám mây, đó là lý do loa thông minh ra mắt vào 2016 của Google vẫn hoạt động cho đến ngày nay.
Bard và một số công nghệ AI tương tự lại là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), đòi hỏi sức mạnh tính toán cao hơn nhiều. Một lãnh đạo cấp cao tại Alphabet (công ty mẹ của Google) tiết lộ các cuộc trò chuyện với LLM đòi hỏi sức mạnh xử lý gấp 10 lần so với tìm kiếm từ khóa tiêu chuẩn.
Google và các công ty công nghệ khác đang cố gắng cải thiện hiệu quả của các mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng chúng sẽ vẫn tốn kém hơn nhiều so với hoạt động tìm kiếm từ khóa thông thường hoặc trợ lý giọng nói trong tương lai gần.
Với hơn 700 triệu người sử dụng Google Assistant ít nhất một lần mỗi tháng, công ty phải xây dựng hệ thống máy chủ trải rộng trên toàn cầu. Nếu chuyển sang Bard, nguồn lực sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Bard cũng không thể chạy cục bộ trên hầu hết điện thoại hoặc máy tính bảng. Alpaca, một chatbot giống như Bard và ChatGPT, cần bộ nhớ RAM 16 GB và dung lượng lưu trữ 20 GB cũng như các thông số kỹ thuật vào loại tốt nhất trên thiết bị di động.
Google có thể xây dựng một phiên bản giới hạn hơn để sử dụng ngoại tuyến, nhưng không rõ công cụ đó có những ưu điểm gì so với Assistant hiện tại. Ngoài ra, để thay chân Google Assistant, Bard cần bổ sung thêm nhiều tính năng, có thể tích hợp vào thiết bị nhà thông minh, điều hướng, điều khiển thiết bị và các chức năng khác.
Hiện tại Google Assistant cũng cung cấp thông tin theo một cách hoàn toàn khác so với Bard, dưới dạng thẻ tóm tắt và liên kết đến nguồn. Bard thường không cung cấp nguồn và đưa ra những nội dung mơ hồ, khó xác thực.
Phương án kết hợp
Google có thể phát triển một giải pháp kết hợp, trong đó hầu hết truy vấn Google Assistant được xử lý bằng công nghệ hiện tại, nhưng các câu hỏi nâng cao hơn sẽ được chuyển cho Bard.
Điều đó sẽ giúp Google Assistant hoạt động với tất cả tính năng và ưu điểm hiện có, đồng thời cung cấp cho một số khả năng được người dùng yêu thích trong các công cụ như Bing Chat và ChatGPT.
Google I/O, sự kiện hàng năm nơi Google tiết lộ các sản phẩm và công cụ dành cho nhà phát triển mới, sẽ diễn ra vào tháng 5. Chủ đề chính năm nay nhiều khả năng là về AI. Có thể công ty sẽ giới thiệu các bản cập nhật trong tương lai cho Bard và Google Assistant.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Google Assistant sẽ không biến mất ngay lập tức. Trợ lý giọng nói này có thể nhận được một số nâng cấp từ sức mạnh tính toán của LLM vào một thời điểm thích hợp.