Bạn rất có thể đang trải qua hậu quả tâm lý của những trải nghiệm tiêu dùng không mấy tốt đẹp trong quá khứ. Ảnh: Alena Dameil/Pexels.
Dù chỉ là một công cụ trao đổi, tiền bạc vẫn có thể gây những ảnh hưởng không nhỏ lên tinh thần người dùng. Tiêu biểu, nhiều người rơi vào căng thẳng, lo âu và thậm chí tự ti mỗi khi nghĩ về những vấn đề xoay quanh chi tiêu.
Điều này có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm chi tiêu không mấy tích cực vào thời thơ ấu hay cảnh nợ nần chồng chất khi trưởng thành của mỗi người. Trường hợp nào cũng đều báo hiệu việc bạn có khả năng mắc phải “financial trauma” - chấn thương tâm lý do tài chính, theo Real Simple.
Nguyên nhân
Năm 2016, Tiến sĩ Galen Buckwalter, nhà tâm lý học, dẫn đầu một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tính cách con người và hành vi tài chính của họ.
Kết quả cho thấy 1/4 công dân Mỹ và 1/3 thế hệ Y (những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) mắc các triệu chứng giống PTSD (Posttraumatic Stress Disorder) hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn gây nên bởi những khủng hoảng về tài chính.
Theo đó, họ thường cư xử tiêu cực và có phần phá hoại hơn khi đối mặt với các vấn đề về tiền bạc.
Chantel Chapman, chuyên gia tâm lý, cho hay chúng ta nên nhìn nhận những khó khăn tâm lý này từ góc độ cá nhân lẫn cộng đồng xung quanh.
Thông thường, sang chấn tâm lý là hệ quả của một sự kiện chấn động hay mang tính đe dọa đến cuộc sống như rơi vào thảm họa tự nhiên, bị hành hung hay tai nạn xe cộ. Tương tự, những vấn đề tiền bạc như bể nợ hay mất nhà cũng có khả năng dày vò và tổn thương tâm lý chúng ta.
Tuy nhiên, những âu lo về tài chính không hẳn chỉ xuất phát từ nội tâm mỗi người. Chúng có thể mang tính thế hệ, xã hội hay hệ thống. Chẳng hạn, một người khắt khe trong chi tiêu bắt nguồn từ việc họ được bố mẹ dạy dỗ tiết kiệm từ sớm hoặc đơn giản hơn, họ chịu áp lực xã hội về cân đối thu chi.
Bất kể nguồn gốc như thế nào, chấn thương tâm lý do tài chính vẫn mang tác động tiêu cực lên cách mỗi người sử dụng tiền bạc. Theo đó, việc nhận ra những dấu hiệu tiêu biểu vấn đề này là thiết yếu.
Từ chối giao tiếp về tiền bạc là một biểu hiện của “financial trauma”. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.
Nhận diện
Né tránh
Trốn tránh đối mặt với tiền bạc là một trong những đặc trưng của financial trauma.
Cụ thể, bạn có thể bỏ qua việc kiểm tra hóa đơn, không đụng tới các sổ sách và tài liệu kế toán hay chỉ đơn giản là không trò chuyện về bất cứ vấn đề nào liên quan đến tài chính.
Hành vi lảng tránh và thờ ơ xuất hiện ở những người thường xuyên cảm thấy sợ hãi, đau đớn hoặc bất an mãnh liệt mỗi khi nghĩ đến chi tiêu.
Nếu không được giải quyết kịp thời, phản ứng né tránh tiền bạc sẽ gây ra những hậu quả lâu dài khiến tình hình tài chính cá nhân trở nên bất ổn.
Vung tay quá trán
Tiêu xài vô độ hay mất khả năng kiểm soát chi tiêu là những kiểu phản ứng phổ biến khác khi trải qua chấn thương tâm lý về tài chính. Chẳng hạn, bạn chi quá nhiều tiền cho việc ăn uống ở nhà hàng hay phung phí vào những khoản mua sắm khổng lồ vượt quá ngân sách.
Đối với những ai đang vật lộn với việc tiêu dùng hoang phí, Chapman khuyên họ nên tập trung tự suy ngẫm để tìm ra nguyên nhân thực sự của hành động này.
Nếu tiêu tiền mỗi khi gặp chuyện căng thẳng, rất có thể bạn đang tìm cách xoa dịu nỗi đau tinh thần hoặc gia tăng niềm vui cá nhân.
Về lâu dài, điều này khiến bạn nghiện và rơi vào vòng lặp dùng tiền liên tục để đối mặt với lo âu hoặc buồn chán.
Hà tiện
Tương tự như chi tiêu quá đà, tiết kiệm tiền một cách khắt khe ngay cả khi dư dả cũng là một dấu hiệu điển hình của chấn thương tâm lý do tài chính.
Chapman gọi tình trạng này là “e ngại rủi ro quá mức” (excessive risk aversion) - vốn liên hệ mật thiết với tâm lý sợ hãi thiếu tiền.
Điều này có thể xuất phát từ việc bạn có quá khứ sống trong nghèo khó. Kết quả, việc tiêu tiền đối với bạn luôn đi kèm với cảm giác bồn chồn và sợ hãi.
Tự nhận thức và điều chỉnh hành vi là những bước quan trọng để vượt qua "financial trauma". Ảnh: Kuncheek/Pexels.
Thiếu giới hạn
Một biểu hiện đáng xem xét của chấn thương tâm lý do tài chính là việc không có những ranh giới thiết yếu liên quan đến tiền bạc hoặc cảm giác khó chịu với việc đặt ra những quy tắc này.
Ví dụ: Bạn không dám lên tiếng yêu cầu tăng lương, thiếu minh bạch trong các điều khoản thanh toán hay đơn giản hơn, bạn cam chịu bị tính tiền quá nhiều hoặc quá ít.
Những hành động tương tự có thể bắt nguồn từ những quy chuẩn xã hội về giá trị mỗi người. Theo đó, bạn trở nên thiếu tự tin và cho rằng bản thân không xứng đáng nhận được nhiều hơn nữa.
Tóm lại, việc không thiết lập những giới hạn chắc chắn có thể đồng nghĩa với sự hiện hữu tổn của tổn thương tâm lý và nó ngăn bạn khỏi việc trở nên tự chủ và quyết đoán trong mối quan hệ với tiền bạc.
Giải pháp
Thực tế, chấn thương tâm lý do tài chính không phải là thứ xiềng xích có thể kìm hãm bạn vĩnh viễn.
Tiến sĩ Dr. Buckwalter cho hay một trong những bước đầu tiên để khắc phục vấn đề này là hãy bàn luận về nó nhiều hơn. Nói cách khác, bạn nên cố gắng bình thường hóa chủ đề tiền bạc trong các cuộc trò chuyện.
Trong nghiên cứu của mình, Chapman cho hay bà cùng đồng nghiệp đã áp dụng phương pháp có trình tự nhiều bước để xử lý chấn thương tâm lý do tài chính. Trong đó, bước đầu tiên và quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu các phản ứng tâm lý của bản thân để tìm được cách điều chỉnh hành vi tương ứng.
Chẳng hạn, khi trở nên lo lắng và căng thẳng mỗi lần đối mặt với vấn đề tiền bạc, bạn nên tập trung nhận thức và xoa dịu những cảm xúc này. Tiếp đó, hãy chỉ quay lại giải quyết lo lắng khi cảm xúc của bạn đã ổn định hơn.
Ngoài ra, giảm bớt nỗi hổ thẹn hay tự ti xung quanh các hành vi tài chính cũng là một phương pháp hiệu quả. Thay vì đổ lỗi và hà khắc với bản thân, bạn hãy nhớ rằng mình xứng đáng với những điều tích cực và những tổn thương từng xảy ra trong quá khứ không thực sự liên quan đến bạn.