Thu Hương (sống tại Hà Nội) nghỉ việc vào năm 2021. Khi đó, cô đang làm ở công ty được 2 năm, thiếu 1 năm so với cam kết và chấp nhận đền bù khoản học phí 18 triệu đồng theo quy định ban đầu.
Hương cho biết sau một thời gian gắn bó, cô nhận thấy định hướng công việc tại nơi này không còn phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Cô quyết định tìm một công ty khác phù hợp và lương cao hơn. Vào tháng cuối cùng làm việc, Hương bị công ty giữ lại lương để tất toán, sau đó cô còn phải chuyển thêm vào tài khoản công ty hơn 5 triệu đồng, theo tài liệu mà Hương cung cấp.
Công ty của Minh Anh và Việt Đức - một công ty logistic tại TP.HCM - không yêu cầu nhân viên đền tiền học, nhưng lại có nhiều quy định khắt khe đối với người tham gia khóa học.
Giáo viên của Minh Anh quy định chỉ những vấn đề đặc biệt như ốm đau, gia đình có việc mới được nghỉ học. Riêng trường hợp đi học muộn, nhân viên phải viết bản kiểm điểm và nộp lên cho giáo viên đứng lớp.
Với nhiều người lao động, được công ty tạo điều kiện và tài trợ cho việc học là một điều thu hút, khiến họ thêm gắn bó với công ty. Tuy nhiên, loạt quy định khắt khe, những ràng buộc trong hợp đồng, kèm theo lịch học quá căng thẳng khiến họ dần mất đi hứng thú học tập. Một số người nghĩ đến chuyện nghỉ việc bất chấp nguy cơ phải đền một số tiền lớn.
Phải đền tiền nếu nghỉ việc trước thời hạn
Thời còn ở công ty, Thu Hương được training ở một trung tâm ngoài. Toàn bộ chi phí khóa học của Hương cũng được công ty bao trọn. Khóa học chỉ kéo dài trong 7 ngày nên Hương được công ty cho nghỉ làm có lương để tập trung học.
Cô đánh giá khóa học khá hữu ích, có tính ứng dụng cao trong công việc. Tuy nhiên, điều khiến Hương ngần ngại là công ty yêu cầu những nhân viên tham gia khóa học logistics phải làm việc tối thiểu 3 năm, nếu nghỉ sớm phải hoàn lại học phí.
Những đồng nghiệp trong khóa học với cô đều làm việc tại công ty đủ thời hạn quy định vì ngại phải đền tiền, riêng Hương chấp nhận bù số tiền lớn để tìm cơ hội mới cho bản thân.
“Ban đầu khi nghĩ đến chuyện nghỉ việc mình cũng thấy hơi tiếc 18 triệu đồng. Nhưng khi cân nhắc lại, nếu làm việc ở một nơi lương cao hơn, mình sẽ nhanh chóng bù được khoản tiền đó”, Thu Hương nói.
Yêu cầu nhân viên cam kết làm việc sau khi đào tạo không phải chuyện hiếm tại các công ty ở Việt Nam và nhiều nước khác. Trong trường hợp của Thu Hương, cô chỉ cần đền số tiền bằng đúng học phí ban đầu, không có thêm nhiều khoản phí khác.
Ở một số nơi khác, nhân viên phải đền học phí, kèm theo những khoản tiền phát sinh, thậm chí kèm theo tiền lãi. Một số công ty của Mỹ đã yêu cầu nhân viên nghỉ việc trả thêm lãi suất nếu họ không hoàn trả tiền training đúng hạn sau khi nghỉ việc.
Theo Bloomberg, những khoản phí đền bù cho việc đào tạo được các công ty đặt ra nhằm "giữ chân" người lao động, tránh việc nhân viên "đủ lông đủ cánh" lại bỏ đi tìm công việc khác lương cao hơn. Vì vậy, chi phí đào tạo, dù mang tiếng là do các công ty chi trả, thường được thực trả bởi người lao động.
Ông Jonathan Harris, phó giáo sư Luật tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, nhận định những khoản phí này đã xuất hiện từ những năm 1990.
Ban đầu, phí đào tạo chỉ tồn tại trong các công ty về tài chính. Hiện nay, những người làm việc trong ngành dịch vụ cũng gặp vấn đề tương tự nếu như nghỉ làm trước thời hạn quy định. Ước tính, trung bình người lao động ở Mỹ có thể phải hoàn trả 75.000 USD chi phí đào tạo nếu nghỉ sớm.
Viết kiểm điểm nếu đi học muộn
Dù nhà xa, giờ giấc làm việc không cố định, Minh Anh và Việt Đức không dám trốn học hay đi học muộn. Minh Anh chưa từng phải viết kiểm điểm, nhưng Việt Đức từng phải chịu hình phạt này. Một lần, do hỏng xe giữa đường, anh đến lớp muộn khoảng 15 phút.
"Do hỏng xe nên em đến lớp muộn. Em xin hứa lần sau sẽ không tái phạm", theo nội dung kiểm điểm Việt Đức viết và nộp lên cho giáo viên. Sau lần đó, Đức không còn dám đi muộn.
Minh Anh chia sẻ với Zing rằng những hình phạt khi đi học muộn không phải vấn đề duy nhất khi tham gia chương trình đào tạo của công ty. Lịch học dày đặc cũng khiến cô chán nản, mệt mỏi không kém.
Do đặc thù về công việc, Minh Anh cùng các đồng nghiệp được công ty xếp lịch học liên tục từ 8h sáng đến 16h cùng ngày. Sau đó, họ mới bắt đầu làm việc vào ca tối từ 18h đến 20h.
Nói là làm đến 20h, nhưng Minh Anh hiếm khi được tan làm đúng giờ, lúc nào cũng phải làm thêm vài giờ. Vào những ngày cao điểm như dịp lễ 30/4 vừa qua, cô phải làm đến nửa đêm mới được tan làm.
Nhiều lần, cô được xếp làm việc ca sáng từ 5h-7h, sau đó lại tiếp tục chạy đi học 8 giờ liền. Cả tuần, Minh Anh chỉ có một ngày nghỉ ngơi duy nhất là chủ nhật.
Công việc và khóa đào tạo chiếm gần hết thời gian của Minh Anh. Mới đi làm hơn 5 tháng mà cô gái cảm giác già đi chục tuổi. Bạn bè tan làm thì “lên đồ” đi chơi, trong khi Minh Anh chỉ mong được tan làm để về nhà ngủ.
Vốn là một người thích tụ tập, hẹn hò cùng bạn bè, giờ đây, Minh Anh gần như quên luôn khái niệm đi chơi lúc rảnh. Nhiều lúc, cô còn không có thời gian gọi điện về nhà.
Nói về vấn đề chuyên cần khi tham gia khóa học, Minh Anh cho biết công ty cô không thuê giảng viên ngoài mà tận dụng nguồn nhân lực sẵn có là những nhân viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm làm việc để đứng lớp đào tạo cho lứa học viên mới. Giáo viên đào tạo cũng là đồng nghiệp, tất cả đều quen biết và nhớ mặt nhau nên học viên không thể trốn học hay nhờ điểm danh hộ.
“Ngày nào cũng phải học nên mình thấy hơi đuối. Có hôm không muốn đi học nên mình tìm ảnh mạng để lấy cớ bị ốm, xin nghỉ học”, Minh Anh tâm sự.
Sau nhiều tháng học và làm liên tục, đồng nghiệp vào công ty cùng thời gian với Minh Anh và Việt Đức đã nghỉ khá nhiều. Khóa học 2 tháng đầu tiên, lớp có khoảng 30 người. Nhưng hiện tại, khi bước vào khóa thứ 2, lớp chỉ còn chưa đến 20 người.
Minh Anh cho biết đồng nghiệp nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, nhưng phần lớn đều xuất phát từ vấn đề lương thấp, công việc lại vất vả. Sáng chiều đi học, tối lại đi làm đến nửa đêm, nhiều người nhận ra đây không phải công việc họ mong muốn.
Trong tương lai, nếu được công ty sắp xếp tham gia khóa học mới, Minh Anh hy vọng công ty sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thời gian của nhân viên để sắp xếp lịch học khoa học hơn, tránh để lịch học dày đặc khiến nhân viên nhanh chán và dễ bỏ cuộc.
"Được học miễn phí thì ai cũng thích, nhưng muốn nhân viên học tốt, công ty phải tạo điều kiện để nhân viên vừa học vừa nghỉ, như thế việc học mới hiệu quả được", Minh Anh nói.
Theo HR Cloud, các lãnh đạo công ty cần hiểu rằng nhân viên là những người luôn bận rộn với công việc. Điều đó có nghĩa là việc dành thời gian để tham gia các khóa học có thể là một thách thức với nhiều người.
Nếu nhân viên không có nhiều thời gian để tham gia các khóa đào tạo, lãnh đạo có thể cân nhắc ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số, nơi cho phép các doanh nghiệp tạo ra các hoạt động học tập hoặc nội dung dễ truy cập. Khi đó, nhân viên có thể chủ động sắp xếp thời gian học khi rảnh rỗi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chủ động tiến hành các cuộc khảo sát để tìm ra phương án tổ chức khóa học phù hợp nhất. Cụ thể, doanh nghiệp nên tìm hiểu những vấn đề như: Loại hình đào tạo nhân viên mong muốn, thời gian đào tạo phù hợp, những lĩnh vực cần đào tạo...
*Tên nhân vật được đổi để tránh phiền phức cho công việc của họ.