Xuân Hường (*), sinh năm 2000 và học ngành Công nghệ Thông tin, rất rõ ràng việc mình muốn làm ở một công ty lớn.
"Là sinh viên mới ra trường, tôi xác định phải tìm một công ty lớn, có thể đào tạo bài bản quy trình làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên, giúp bản thân có thêm kinh nghiệm", Hường nói.
Đọc được yêu cầu "ứng viên phải tham gia 3 tháng đào tạo về chuyên môn trước khi thi tuyển chính thức" của một công ty công nghệ ở TP.HCM, Hường đã gửi hồ sơ ứng tuyển.
Tuy nhiên, các lớp học của Hường không phải miễn phí hoàn toàn. Nó sẽ là miễn phí nếu cô cam kết làm việc trong một thời gian tương ứng (ví dụ: nếu khóa đào tạo kéo dài một tháng trở xuống - Hường phải cam kết làm việc 4 tháng), nếu nghỉ việc sớm, Hường sẽ phải bồi thường, theo hợp đồng mà Hường cung cấp cho Zing.
Được phát triển bản thân là một nhu cầu tự nhiên của mọi người đi làm.
Ở Mỹ, theo một cuộc khảo sát trực tuyến 2.042 người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm 1.054 người đã được tuyển dụng) - thực hiện bởi The Harris Poll của Hiệp hội nhân sự Mỹ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2021, 84% người được hỏi xem việc được tham gia các khóa đào tạo phát triển chuyên môn nghề nghiệp của nhà tuyển dụng là yếu tố quan trọng để họ cân nhắc lựa chọn công việc.
Không muốn nhảy việc vì được học
Năm năm làm nhân viên Marketing của Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu cá nhân ở một trường đại học tại TP.HCM, Trương Thị Yến Phụng (sinh năm 1995) đã tham gia khóa học do cơ quan tổ chức đến mức "không thể nhớ hết số lượng". Cô khá hài lòng với việc được đào tạo phát triển chuyên môn ở môi trường này.
Làm việc trong lĩnh vực Marketing, Phụng hiểu rõ bản thân phải luôn học tập để theo kịp các xu hướng mới. Cô lựa chọn tham gia các khóa học của cơ quan để rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong công việc.
Mỗi tháng, Phụng tham gia ít nhất 1 khóa học do cơ quan tổ chức. Bên cạnh đó, cô còn được học thêm các khóa bên ngoài để nâng cao những kỹ năng mà bản thân còn thiếu sót. Trong quá trình làm việc, Phụng từng học các khóa về viết content, google display network, chạy quảng cáo dưới sự hỗ trợ kinh phí từ cơ quan.
"Sau khi học các khóa này, tôi biết thêm nhiều kiến thức. Học xong, tôi còn được phụ trách những mảng công việc lớn. Các kiến thức được giảng dạy tôi đều vận dụng để chuyên nghiệp hơn. Mỗi khi tham gia học, tôi còn được chấm điểm cộng trong thi đua nữa", Phụng nói.
Môi trường làm việc đáp ứng nhu cầu học hỏi, nâng cao chuyên môn liên tục của Phụng, nên cô chưa từng suy nghĩ sẽ nhảy việc.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát trên của The Harris Poll, tỷ lệ nhân viên thuộc thế hệ Z (tham gia khảo sát) được công ty giúp cải thiện hoặc mở rộng các kỹ năng để làm tốt hơn công việc chỉ chiếm 37%. Nhiều nhân viên cho biết công ty họ đang làm việc không tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cần thiết để người lao động duy trì hoặc phát triển sự nghiệp.
Áp lực phải vượt qua kỳ training
Đối với Hường, việc tham gia khóa đào tạo của công ty giúp cô tích lũy kinh nghiệm về các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Java Developer mình theo đuổi. Bên cạnh đó, cô còn được đào tạo tiếng Anh - ngôn ngữ bản thân không tự tin - theo cách ôn thi TOEIC.
Cô được ôn lại kiến thức cơ bản, sau đó được ôn luyện theo đề thi TOEIC và luyện nói liên tục trong thời gian 2,5 tháng.
Tuy nhiên, với yêu cầu mức điểm cần đạt được sau khóa học là 600 TOEIC, Hường áp lực vì nền tảng tiếng Anh của bản thân chưa tốt. Trong thời gian 2,5 tháng, những ứng viên có nền tảng tiếng Anh tốt sẽ tiến bộ nhanh hơn, còn cô phải nỗ lực rất nhiều.
Hường đã được đào tạo trong khoảng 2 tháng và dự định còn 1 tháng nữa ở công ty hiện tại, đồng nghĩa với việc cô sẽ phải cam kết làm việc tại đây ít nhất 1 năm. Dù vậy, trong hiện tại, Hường chưa có dự định đổi việc, thậm chí nếu không trúng tuyển vị trí nhân viên chính thức của công ty này, Hường cho biết sẽ rất tiếc nuối vì không thể làm việc ở môi trường làm việc "chịu" đào tạo nhân viên.
(*) Danh tính nhân vật đã được đổi để tránh rắc rối công việc.