Trên Twitter cá nhân, ông Paul Buchheit – người sáng tạo Gmail – tin rằng hoạt động kinh doanh của Google sẽ chỉ kéo dài tối đa 2 năm trước sức ép đến từ các “siêu AI” tương tự ChatGPT.
“Google có thể chỉ tồn tại một hoặc 2 năm nữa trước khi đổ vỡ hoàn toàn. AI sẽ loại bỏ sự cần thiết của trang kết quả từ các công cụ tìm kiếm, nơi Google kiếm được nhiều tiền nhất”, cha đẻ Gmail viết trên Twitter.
Ông tin rằng ngay cả khi bắt kịp trào lưu AI, Google cũng không thể triển khai nó một cách toàn diện mà không gây tổn hại đến phần giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ.
Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu câu hỏi từ người dùng.
Thay vì đưa ra phản hồi về danh sách hàng chục trang các kết quả tìm kiếm, ChatGPT trả lời các truy vấn theo phong cách hội thoại, giúp người dùng dễ dàng kéo dài cuộc trò chuyện với hàng loạt câu hỏi liên quan tiếp theo.
Chỉ sau 2 tháng kể từ thời điểm trình làng, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu.
Để dễ hình dung, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi trình làng để có thêm 100 triệu người dùng, còn Instagram phải mất đến 2,5 năm để đạt được con số nói trên, theo dữ liệu từ Sensor Tower.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Similar Web cho hay có khoảng 13 triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong giai đoạn tháng 1 năm nay, gấp đôi so với số liệu ghi nhận hồi tháng 12/2022.
Nguồn tin từ Interesting Engineering tiết lộ sự thành công vang dội của ChatGPT đã khiến nhóm lãnh đạo Google phải triệu hồi gấp những buổi họp kín. Tập đoàn công nghệ này ngay lập tức tập trung nguồn lực cho việc phát triển và hoàn thiện các sản phẩm AI của riêng mình.
Vào năm 2021, doanh thu của Google là hơn 250 tỷ USD, mức cao nhất trong gần 25 năm hoạt động. Phần lớn trong số này đến từ chi phí được Google thu từ các nhà quảng cáo để hiển thị sản phẩm và dịch vụ của họ ngay cạnh kết quả tìm kiếm.
Tuy nhiên với sự ra đời của ChatGPT, công cụ tìm kiếm của Google có thể bị đẩy ra khỏi nhóm ưu tiên hàng đầu, bởi người dùng sẽ tập trung vào những câu trả lời đơn giản thay vì danh sách dài các kết quả tìm kiếm.
Trang tin Interesting Engineering đã hỏi ChatGPT rằng liệu sự tồn tại của công cụ này có đặt dấu chấm hết cho việc làm ăn của Google hay không. Trước câu hỏi vừa nêu, phản hồi của ChatGPT là không.
“ChatGPT không được tạo ra để chấm dứt công việc kinh doanh của Google. ChatGPT có thể được sử dụng để tăng cường các ứng dụng khác nhau, bao gồm các công cụ tìm kiếm, nhưng không đi cùng mục đích thay thế các ứng dụng này”, công cụ trí tuệ nhân tạo của OpenAI trả lời.
Tuy nhiên trang tin Interesting Engineering lưu ý rằng các phản hồi mà ChatGPT đưa ra đều dựa trên nguồn dữ liệu do OpenAI đào tạo, và có thể các kỹ sư phát triển đã “dạy” chatbot cách đối đáp những câu hỏi tương tự mà không gây ra cảm giác quá kiêu ngạo hay tự tin.