Theo Nikkei Asia, tháng trước, doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani là người châu Á đầu tiên đứng thứ 2 trong danh sách tỷ phú toàn cầu.
Các tỷ phú Mỹ vẫn chiếm đa số trong nhóm 10 người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, những doanh nhân châu Á cũng đang tăng hạng trên bậc thang giàu có toàn cầu.
Cách đây chỉ 4 tháng, ông Adani soán ngôi tỷ phú giàu nhất châu Á của ông Mukesh Ambani. Đến tháng 7, vị tỷ phú Ấn Độ vượt mặt nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu thứ 4 thế giới. Vào tháng 8, ông là người châu Á đầu tiên lọt vào nhóm 3 tỷ phú giàu nhất thế giới trong danh sách tỷ phú của Bloomberg.
Ông hiện rớt xuống vị trí thứ 4 với khối tài sản 125 tỷ USD, đứng sau CEO Tesla Elon Musk (228 tỷ USD), nhà sáng lập Amazon.com Jeff Bezos (144 tỷ USD) và vua hàng hiệu Bernard Arnault (141 tỷ USD).
Một phân tích theo khu vực đối với tài sản của hơn 2.400 người trong danh sách tỷ phú của Forbes chỉ ra tính đến ngày 24/9, các tỷ phú ở Bắc Mỹ nắm giữ 4.700 tỷ USD, tiếp theo là 3.500 tỷ USD tại châu Á và 2.400 tỷ USD ở châu Âu.
Tuy nhiên, châu Á có đến 951 tỷ phú, vượt xa 777 tỷ phú tại Bắc Mỹ và 536 tỷ phú ở châu Âu.
Một phần nguyên nhân là châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới, so với 4% của Mỹ và gần 10% của châu Âu.
Theo từng quốc gia, Mỹ đứng đầu với 719 tỷ phú, tiếp đến là Trung Quốc (440 tỷ phú), Ấn Độ (161 tỷ phú). Các nước ASEAN có tổng cộng 115 tỷ phú. Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản sản sinh ra lần lượt 45, 28 và 27 tỷ phú.
Các nước mới nổi đang tạo ra nhiều tỷ phú hơn so với Mỹ và châu Âu nhờ những tiến bộ trong công nghệ truyền thông và toàn cầu hóa. Tại các quốc gia này, người giàu cũng kiếm tiền nhanh hơn.
Theo dữ liệu trong Global Wealth Report (Báo cáo Tài sản Toàn cầu) của Credit Suisse, từ năm 2000 đến năm 2021, khối tài sản của top 1% người giàu nhất đã tăng 11 lần ở Ấn Độ và 34 lần tại Trung Quốc. Để so sánh, mức tăng ở Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 3,6 và 1,2 lần.
"Giá bất động sản tăng cao là động lực chính cho sự tăng trưởng trong khối tài sản của người châu Á", ông Soichiro Matsumoto - Giám đốc đầu tư tại Credit Suisse Wealth Management Nhật Bản - bình luận.
Tài sản của nhóm 1% người giàu nhất các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh hơn nhiều so với Mỹ, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.
Nhiều quốc gia đang siết chặt gọng kìm với giới nhà giàu. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu "thịnh vượng chung" nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng.
Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba - và nhiều doanh nhân khác của Trung Quốc đã tích cực từ thiện để hưởng ứng chiến lược của ông Tập.
Các tỷ phú châu Á hiện cũng đối mặt với một số thách thức, bao gồm giá cổ phiếu lao dốc và đồng USD mạnh lên. 245 người đã rời khỏi danh sách tỷ phú của Forbes trong vòng 6 tháng qua, trong đó có 126 người châu Á và 27 người ở Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, các doanh nhân giàu có ở những quốc gia mới nổi có thể hưởng lợi bởi sự gia tăng của nhu cầu nội địa và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Credit Suisse dự báo đến năm 2026, số lượng triệu phú (nắm giữ khối tài sản trên 1 triệu USD) tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi năm 2021.