Ở thời điểm hiện tại, hầu hết khách hàng mua khí đốt Nga đều ở phương Đông, khu vực mà cơ sở hạ tầng khí đốt chưa được xây dựng nhiều. Xung đột Nga – Ukraine đã khiến châu Âu quyết tâm “cai nghiện” khí đốt Nga nhưng điều đó không có nghĩa Moscow hết khách hàng.
Vào năm 2021, Nga đã bơm khoảng 150 tỷ m3 khí qua các đường ống tới châu Âu, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Đức, Pháp và Áo. Châu Âu từng có lúc phụ thuộc 2/3 nguồn cung khí đốt vào Nga, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, khi xung đột Nga – Ukraine làm sứt mẻ mối quan hệ đó, Moscow hướng tới những khách hàng khác.
Hiện tại, khách hàng mới của Nga mới chỉ hấp thụ được một phần khí đốt của nước này. Trong khi đó, giá khí đốt sụt giảm cũng khiến thu nhập của Moscow giảm sút. Tình hình kinh doanh dầu mỏ cũng không lạc quan hơn nhiều khi đây cũng là mặt hàng của Nga bị phương Tây đưa vào diện trừng phạt.
Đối với châu Âu, quá trình “cai nghiện” năng lượng Nga không phải dễ dàng. Để lấp đầy các kho chứa trước mùa đông năm ngoái, châu Âu đã phải mua khí đốt với mức giá đắt chưa từng thấy. Sau đó, các đường ống Nord Stream bị phá hoại khiến nguồn cung chính từ Moscow bị gián đoạn chưa biết đến khi nào mới phục hồi. Thế nhưng, mùa đông ấm áp cho phép châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng một cách nhẹ nhàng.
Trong khi đó, doanh thu từ khí đốt của Nga giảm gần 45% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 8,3 tỷ USD. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố dẫn tới sự sụt giảm này và Moscow có lẽ sẽ không “bó tay” chịu thiệt.
Peter Tertzakian, giám đốc điều hành của ARC Financial, một nhà đầu tư năng lượng kỳ cựu, cho biết: “Khi các quốc gia bị trừng phạt, ban đầu họ sẽ cần một khoảng thời gian để thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt càng chặt chẽ thì họ sẽ càng sáng tạo hơn trong việc tìm ra cách để vượt qua”.
Nga đã tăng tốc xoay trục sang Trung Quốc. Hồi đầu năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến và vận chuyển khí đốt ở khu vực miền đông đất nước, nơi gần biên giới với Trung Quốc. Ông Putin cũng khẳng định đây là động thái có tầm quan trọng chiến lược thực sự.
Đường ống dẫn khí ở phía đông, có tên Power of Siberia, đã bắt đầu được Nga và Trung Quốc đưa vào hoạt động từ tháng 12/2019. Tuy nhiên, sản lượng khí đốt thông qua hệ thống này chưa đáng kể nếu so với lượng khí Nga bán cho châu Âu. Dẫu vậy, khí đốt Nga đến phương Đông đang tăng lên và có thể đạt 38 tỷ m3/năm vào năm 2025, tương đương nhu cầu tiêu thụ của nước Pháp.
Trước khi xung đột với Ukraine nổ ra, Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận thứ 2 với Trung Quốc nhằm cung cấp thêm 10 tỷ m3 khí đốt hàng năm trong 25 năm thông qua một đường ống có tên Viễn Đông. Tuy nhiên, đường ống này vẫn chưa được xây dựng.
Trong khi đó, Moscow cho biết đang thảo luận với Bắc Kinh về cái gọi là dự án Power of Siberia 2 với khả năng tăng gấp đôi lưu lượng khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, nâng tổng lượng khí lên 100 tỷ m3. Quá trình thảo luận đã đi đến “giai đoạn cuối” trong nhiều tháng nay. Tuy nhiên, dự án này có thể sẽ cần tới 5 năm để hoàn thiện và nó không thể thay thế châu Âu trong “một sớm, một chiều”.
Ngoài đường ống tới Trung Quốc, Nga vẫn còn nhiều đường ống tới các quốc gia châu Âu khác còn đang hoạt động. Nổi bật trong số này là đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất khoảng 27 tỷ m3 trong năm 2021. Các đường ống khác nối Nga với các quốc gia thuộc Liên xô cũ tuy nhiên công suất khá nhỏ so với năng lực sản xuất của Nga.
Tham khảo: Bloomberg